Hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh dịch vụ logistics

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, logistics đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics chưa thực sự hoàn thiện, còn tồn tại những bất cập làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Do đó, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp dịch vụ logistics và bạn đọc cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh nhu cầu phát triển cả về quy mô, tốc độ của dịch vụ logistics.

Sau một thời gian dài phát triển, dịch vụ logistics đã được thể chế hóa trong Luật Thương mại 2005, pháp luật về giao thông vận tải, các nghị định: Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, Nghị định số 144/2018/NĐ-CP về vận tải đa phương thức... góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ logistics phát triển. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về logistics.

Quản trị kho bãi đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành chuỗi dịch vụ logistics (Trong ảnh: Bãi container hàng hóa nhập khẩu tại Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng). Ảnh: THÀNH ĐÔ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết: "Nhìn chung, nước ta đã có hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ điều chỉnh dịch vụ logistics. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế về tính đồng bộ và rõ ràng của các văn bản dưới luật, việc giải thích và áp dụng các quy định của luật về hoạt động logistics có nhiều điểm chưa thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực thi. Bởi vậy, Chính phủ cần tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật thông qua việc xây dựng các văn bản hướng dẫn rõ ràng, thống nhất. Hiện nay, việc kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu còn mất thời gian và chi phí. Cải cách thủ tục hành chính trong khâu này cần được quan tâm hơn. Đồng thời, các hoạt động logistics cho thương mại điện tử (TMĐT) như khâu mua hàng, giao hàng trực tuyến, các dịch vụ logistics đầu cuối cũng phát triển mạnh. Để theo kịp tốc độ phát triển của TMĐT, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cần tập trung vào việc chuyển đổi số, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, phục vụ khách hàng kịp thời hơn. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho TMĐT, quy định về logistics cho TMĐT cũng như tạo thuận lợi trong việc quản lý, chữ ký số, an toàn, an ninh hệ thống mạng giao dịch".

Đồng tình với quan điểm trên, theo luật sư Trần Quang Khải, Trưởng văn phòng luật sư Quang Khải và cộng sự, việc phân loại các hoạt động logistics còn nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm và giới hạn quản lý giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động logistics. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và áp dụng để xác định các hoạt động logistics. Theo quy định tại Điều 233 Luật Thương mại 2005, logistics bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa. Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007 quy định nhóm một số phân ngành kinh tế thuộc dịch vụ logistics. Điều 3 Nghị định số 163/2017/NĐ-CP, phân biệt các loại dịch vụ logistics. Tháng 5-2007, Việt Nam cùng các nước thành viên ASEAN cũng đã nhất trí xây dựng lộ trình hội nhập ngành dịch vụ logistics trong ASEAN, trong đó quy định dịch vụ logistics trong ASEAN gồm 11 phân ngành... Như vậy, phần lớn các văn bản trên đều phân loại hoạt động logistics theo hướng từng ngành vận tải riêng biệt. Cách phân loại này sẽ làm mất đi bản chất thương mại của hoạt động logistics và dễ dẫn đến sự nhầm lẫn giữa hoạt động này với hoạt động vận chuyển thông thường.

Ngoài ra, nhiều bạn đọc cũng cho rằng, cần quy định trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics khi tổn thất là do khuyết tật của hàng hóa, quy định về định mức bồi thường thiệt hại và giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Cơ quan quản lý nhà nước cần có kế hoạch xây dựng các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp logistics trong quá trình triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp về các vấn đề chính sách và thực thi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực ASEAN... Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp quốc tế có uy tín để cùng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

DƯƠNG SAO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hoan-thien-he-thong-phap-luat-de-dieu-chinh-dich-vu-logistics-646429