Hoàn thiện hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là di sản thế giới
Tỉnh An Giang mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia ICOMOS để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Chiều 10/11, UBND tỉnh An Giang đã làm việc với các chuyên gia của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) và các chuyên gia Việt Nam về Chương trình khảo sát, đánh giá Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia quốc tế ICOMOS đã giới thiệu tổng quan, kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ học và việc quy hoạch khoanh vùng bảo vệ Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê; khảo sát, tham vấn cộng đồng thực hiện quy trình tập trung về bảo vệ, quản lý di sản văn hóa Óc Eo theo tiêu chuẩn di sản thế giới…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đánh giá cao phương pháp làm việc cùng các ý kiến quý báu của các chuyên gia ICOMOS cũng như chuyên gia Việt Nam.
Ông Phước đề nghị Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các ngành khẩn trương chuẩn bị, cung cấp thêm các thông tin tới các chuyên gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Trước đó, từ ngày 6 đến 10/11, đoàn các chuyên gia ICOMOS và các chuyên gia Việt Nam đã khảo sát các bộ sưu tập hiện vật văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng An Giang, nhà trưng bày và kho lưu trữ hiện vật của Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo.
Hệ thống di tích thực hiện khảo sát gồm: Di tích Lung Lớn, gò Óc Eo, gò Cây Thị, Giồng Cát, Giồng Trôm, chùa Linh Sơn, Linh Sơn Nam, gò Sáu Thuận, Linh Sơn Bắc, gò Út Trạnh, gò Sáu Thàng… Chương trình khảo sát thực hiện giữa các chuyên gia ICOMOS và từng hộ dân đang sinh sống xung quanh di tích.
Các chuyên gia tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc phát hiện, kiến trúc, chất liệu… các di vật; khảo sát thực địa tại các địa điểm di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang, xác định niên đại cho từng lớp văn hóa, di tích, địa tầng từng giai đoạn phát triển, cũng như không gian, đặc điểm phân bố trong từng địa điểm di tích. Từ đó, hoàn thiện hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Trong thời gian qua, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, đã có nhiều chủ trương, chính sách và sự đầu tư quan trọng để bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhiều chương trình nghiên cứu, khai quật khảo cổ, điều tra, bảo tồn và quy hoạch di tích được triển khai thực hiện tại Óc Eo - Ba Thê.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đó là xây dựng hồ sơ, đệ trình UNESCO ghi danh Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới.
Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê nằm ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; cách thành phố Long Xuyên 40km về hướng Đông Bắc, cách thành phố Rạch Giá 40km về hướng Tây Nam.
Khu di tích này có tổng diện tích bảo vệ 433,2 ha. Tại đây có khoảng 40 di chỉ văn hóa thuộc các loại hình di tích kiến trúc tôn giáo, di tích mộ táng, di chỉ cư trú… đã được phát hiện, thám sát, khai quật từ đầu những năm 1940 đến nay.
Quần thể các di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê chứa đựng những di tồn văn minh vật chất về một đô thị cổ và trung tâm tôn giáo của Vương quốc Phù Nam xưa. Những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế suốt mấy chục năm qua cho thấy, ở thời kỳ Phù Nam, khu vực này đã phát triển rực rỡ - một trung tâm thương mại và giao lưu quốc tế quan trọng trên biển, kết nối buôn bán và giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia cổ đại khác.