Hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh, khắc phục bất cập trong kinh doanh xuất khẩu gạo
Theo Bộ Công Thương, bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực thi Nghị định 107/2018/NĐ-CP cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần được xem xét, sửa đổi.
Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo Bộ Công Thương, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đã đạt được một số kết quả. Trong đó, từ năm 2019 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức tốt, nhiều thời điểm trong tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ (Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tính đến ngày 22 tháng 4 năm 2023 dao động khoảng 483-487 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022).
Gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường ngày càng đa dạng, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao, thâm nhập được vào nhiều thị trường gạo cao cấp, ngoài ra, sản phẩm gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng đã từng bước thâm nhập vào các thị trường.
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực thi Nghị định 107/2018/NĐ-CP cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần được xem xét, sửa đổi.
Thứ nhất, chưa có chế tài đủ mạnh mang tính răn đe để áp dụng đối với các hành vi vi phạm chế độ báo cáo
Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định, thương nhân thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, tình hình thực tế tồn kho của thương nhân.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo theo quy định như: không báo cáo, báo cáo không đầy đủ nội dung theo quy định, có báo cáo nhưng không thường xuyên... Việc này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Khoản 6 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định: “Thương nhân báo cáo không đúng sự thật hoặc không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều này không được hưởng các chính sách ưu tiên quy đinh tại khoản 2 Điều 16 Nghi ̣định này cho đến khi thương nhân chấm dứt, khắc phục hành vi vi phạm”.
Như vậy, các thương nhân vi phạm nghĩa vụ báo cáo chỉ không được hưởng các chính sách như tham gia các chương trình xúc tiến, xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ở trong nước và ngoài nước, không được phân bổ chỉ tiêu thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung hay tham gia chương trình mua thóc, gạo tạm trữ của Nhà nước.
Trong bối cảnh mới, các thị trường thực hiện tư nhân hóa, giao dịch hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung còn rất ít, kinh phí quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại không đáng kể, không phân biệt giữa doanh nghiệp báo cáo và doanh nghiệp không báo cáo nên quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP khó có thể coi là "chế tài" để buộc các thương nhân phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo.
Cơ quan quản lý chỉ có thể kêu gọi, khuyến khích các thương nhân tự giác chấp hành. Các thông tin, số liệu liên quan (diện tích gieo trồng, sản lượng từng chủng loại lúa, lượng thóc, gạo hàng hóa tồn kho, xuất khẩu ...), vì vậy, thường không đầy đủ, xác thực, kịp thời, không phản ánh đúng thực tế, từ đó gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu gạo đặc biệt tại thời điểm có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh
lương thực.
Đồng thời, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện cũng chưa có quy định về chế tài xử phạt đối với các hành vi này.
Điều 10 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn cũng chỉ quy định việc xử phạt đối với một số hành vi như: không báo cáo giá mua thóc gạo xuất khẩu; gian lận trong việc khai báo giá xuất khẩu gạo; không báo cáo hoặc báo cáo không đúng lượng hàng hóa tồn kho dự trữ lưu thông của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Trong quá trình làm việc với Đoàn Thanh tra Chính phủ năm 2020, Bộ Công Thương đã nhiều lần báo cáo về thực trạng thương nhân thực hiện không nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và trao đổi về kiến nghị sửa đổi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Vấn đề này đã được Thanh tra Chính phủ ghi nhận tại văn bản số 2015/KL-TTCP ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.
Theo văn bản số 2015/KL-TTCP nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị: “...Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, trong đó lưu ý: Quy định chế tài xử lý để thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chấp
hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và các cơ quan liên quan thực hiện báo cáo để kịp thời phục vụ cho việc điều hành xuất khẩu gạo”.
Trong thời gian qua, các thương nhân đã gửi báo cáo về tình hình xuất khẩu gạo cũng như số lượng thóc, gạo tồn kho nhưng các báo cáo chưa kịp thời, số lượng thương nhân báo cáo theo quy định rất ít, chỉ chiếm khoảng 30% tổng số thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo khiến cơ quan quản lý bị động về thông tin, số liệu dẫn đến khó khăn trong quá trình điều hành xuất khẩu gạo.
Để chấn chỉnh việc nghiêm túc thực hiện theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các thương nhân thông qua các hình thức: văn bản nhắc nhở trực tiếp thương nhân không thực hiện; văn bản đề nghị Sở Công Thương địa phương nơi thương nhân có trụ sở chính hoặc kho và cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo đề nghị Sở Công Thương đôn đốc; đề nghị trực tiếp với thương nhân đối với các thương nhân là đối tượng khi Đoàn liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện kiểm tra thực thi pháp luật.
Hình thức áp dụng vi phạm của thương nhân được thực hiện thông qua phương thức nhắc nhở, chấn chỉnh bằng văn bản và trao đổi trực tiếp theo quy định tuy nhiên chưa có chế tài mang tính răn đe để áp dụng đối với các hành vi vi phạm về chế độ báo cáo của các thương nhân.
Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng cần chế tài đủ mạnh mang tính răn đe đối với thương nhân vi phạm chế độ báo cáo để đảm bảo tương xứng với hành vi vi phạm của thương nhân và tương quan với chế tài khác đã đề cập tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP cũng như các quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ hai, về chương trình xúc tiến thương mại theo cơ chế đặc thù đối với mặt hàng gạo.
Tại Khoản 2 và khoản 3 Điều 105 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 quy định về phát triển hoạt động ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại và tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đã giao Bộ Công Thương xây dựng cơ chế xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo theo cơ chế đặc thù.
Tuy nhiên, từ năm 2019 - nay, triển khai thực hiện chương trình xúc tiến thương mại đặc thù đối với mặt hàng gạo (chương trình như đã triển khai tại giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018 theo chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 8023/VPCP-KTTH ngày 6 tháng 10 năm 2018) chưa được triển khai thực hiện mà chỉ thực hiện theo chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.
Trong các biện pháp phát triển ngoại thương, xúc tiến thương mại là biện pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đưa các sản phẩm hàng hóa Việt Nam ra thị trường thương mại toàn cầu và tới được tận tay người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Hiện nay, các hoạt động xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo của Việt Nam còn rất hạn chế chưa xứng tầm với vị thế xuất khẩu của chúng ta mặt hàng gạo là một mặt hàng an ninh lương thực quốc gia không chỉ đối với Việt Nam mà trên toàn thế giới, đây là mặt hàng rất nhạy cảm, hiện nhiều quốc gia đã và đang áp dụng rất linh hoạt các cơ chế, chính sách quản lý nhập khẩu, xuất khẩu nhằm mục đích an ninh lương thực như: quy định đầu mối nhập khẩu; quy định hợp đồng tập trung; cấp giấy phép hạn ngạch; áp dụng chế độ khuyến khích nhập khẩu linh hoạt tại từng thời điểm xảy ra thiếu hụt trầm trọng...
Vì vậy, để tận dụng thời cơ và các cơ hội nhằm gia tăng sự hiện diện và khẳng định thị phần mặt hàng gạo của Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, tiêu thụ lớn trước sự cạnh tranh gay gắt của các nước xuất khẩu như Thái Lan, Ấn Độ, việc xây dựng cơ sở pháp lý để triển khai linh hoạt, kịp thời các Chương trình XTTM đặc thù đối với mặt hàng gạo là cần thiết (nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai tại thời điểm 2016-2018).
Thứ ba, công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan liên quan tổ chức điều hành xuất khẩu gạo bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Nghị định, địa phương liên quan trong điều hành xuất khẩu gạo như: điều tiết giá cả, bình ổn thi ̣trường nội địa, ̣phát triển thi ̣trường xuất khẩu, ký kết, tổ chức thưc hiện các bản ghi nhớ, thỏa thuận về thương mai gạọ với các nước, điều hành thi ̣trường tâp trung, xây dựng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gao, bảo đảm chất lương gạo xuất khẩu.
Thực tiễn triển khai cho thấy các Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp trong triển khai thực hiện các trách nhiệm được giao, cụ thể như: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định, công bố giá thóc định hướng; Trên cơ sở giá thóc định hướng được công bố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và VFA thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam; Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã phối hợp và gửi Bộ Công Thương báo cáo định kỳ hàng tháng về xuất khẩu gạo, phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác thống kê số liệu về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cấp bách như giãn tiến độ xuất khẩu gạo năm 2020, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành có thời điểm chưa thực sự tốt. Do vậy, cần xây dựng, bổ sung thêm cơ chế về sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách.
Thứ tư, ủy thác xuất khẩu.
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP chưa có điều khoản về ủy thác xuất khẩu.
Theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương: Tất cả hàng hóa lưu thông hợp pháp đều có thể được ủy thác mua bán; Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện, bên ủy thác hoặc bên nhận ủy thác phải có giấy phép, đáp ứng điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu trước khi ký hợp đồng ủy thác hoặc nhận ủy thác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định thương nhân đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, có quyền kinh doanh xuất khẩu gạo.
Quy định về ủy thác xuất nhập khẩu tại Luật Quản lý ngoại thương, sẽ có trường hợp thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo ủy thác cho thương nhân không được cấp Giấy chứng nhận thực hiện xuất khẩu gạo, làm thủ tục xuất khẩu gạo tại cơ quan hải quan.
Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp thực tế nào nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương nhận thấy thương nhân có thể tận dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện mục đích xuất khẩu.
Để bảo đảm hiệu quả thực thi của văn bản quy phạm pháp luật, nghị định sửa đổi cần điều chỉnh quy định về nhận ủy thác xuất khẩu đối với kinh doanh xuất khẩu gạo tạo sự công bằng đối với tất cả các thương nhân.
Từ những lý do trên, theo Bộ Công Thương, cần xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh để khắc phục các tồn tại, bất cập phát sinh, định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu, nhập khẩu gạo bảo đảm mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững và ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường và tiến trình hội nhập quốc tế về kinh tế.