Hoàn thiện khung pháp lý về chế độ tài chính cho TCVM
Quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn...
Chương trình, dự án tài chính vi mô (TCVM) xuất hiện ở Việt Nam vào đầu những năm 1980 thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các chính phủ, tổ chức quốc tế cho Việt Nam nhằm trợ giúp người nghèo, đối tượng có thu nhập thấp phát triển kinh tế, tạo thu nhập và việc làm. Qua quá trình tồn tại và phát triển, hoạt động TCVM đã phát huy vai trò tích cực đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta.
Ngày 12/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg (Quyết định số 20/2017/QĐ-TT) quy định cụ thể về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nhóm công tác TCVM thì hiện nay có khoảng 30 đến 40 các chương trình, dự án TCVM. Các chương trình, dự án TCVM do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ thành lập, có cơ cấu tổ chức riêng, tuy nhiên tại Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg không có quy định chương trình, dự án TCVM phải có tư cách pháp nhân riêng. Các chương trình, dự án TCVM chủ yếu hoạt động theo mô hình các quỹ xã hội, các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ.
Qua khảo sát và trao đổi của Bộ Tài chính với các chương trình, dự án TCVM đang thực hiện chế độ tài chính theo những quy định riêng chưa có sự thống nhất: có chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; có chương trình dự án vận dụng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 18/2018/TT-BTC ngày 12/02/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều về chế độ tài chính đối với tổ chức tài chính vimô; có chương trình dự án thực hiện theo quy định như đối với tổ chức mẹ (các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội); có chương trình, dự án tài chính vận dụng thực hiện theo các quỹ tín dụng nhân dân. Các chương trình, dự án TCVM đều cho rằng cần thiết phải có một quy định chung về chế độ tài chính đối với các tổ chức này.
Căn cứ theo nhiệm vụ được giao và nhu cầu của các chương trình, dự án TCVM, ngày 25/6/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2019/TT-BTC về hướng dẫn về chế độ tài chính đối với chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ. Thông tư số 37/2019/TT-BTC gồm 03 chương, 12 Điều quy định cụ thể về chế độ tài chính cho các chương trình, dự án TCVM. Trong đó có một số quy định đáng lưu ý sau:
Đối với việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản của chương trình, dự án TCVM: các chương trình, dự án TCVM phải theo dõi, hạch toán độc lập đối với vốn, tài sản khác của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.
Việc trích lập và sử dụng dự phòng đối với các khoản cho vay: chương trình, dự án TCVM thực hiện theo quy định đối với tổ chức TCVM.
Lợi nhuận còn lại của chương trình, dự án TCVM sau khi thực hiện bù đắp lỗ năm trước (nếu có) và thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật do chương trình, dự án TCVM quyết định nhưng phải bảo đảm nguyên tắc không được chia hoặc sử dụng cho các hoạt động không phải là hoạt động tài chính vi mô dưới bất kỳ hình thức nào.
Thông tư số 37/2019/TT-BTC còn quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan như Bộ Tài chính, NHNN Việt Nam, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ, chương trình, dự án TCVM…
Với sự ra đời của Thông tư số 37/2019/TT-BTC, khung pháp lý chung về chế độ tài chính của chương trình, dự án TCVM đã được hình thành. Quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển vững mạnh, để đáp ứng các điều kiện chuyển thành tổ chức TCVM hoạt động theo Luật các TCTD cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.