Hoàn thiện khung pháp lý về dẫn độ phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế
Nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, Bộ Công an đã dự thảo hồ sơ xây dựng Luật Dẫn độ để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Khắc phục những bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động dẫn độ
Theo Bộ Công an, từ khi Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành, hoạt động dẫn độ đã có nhiều chuyển biến, hỗ trợ tích cực cho hoạt động tố tụng của cơ quan Nhà nước Việt Nam và nước ngoài trong việc giải quyết các vụ án, trừng trị nghiêm minh các đối tượng phạm tội, qua đó bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm sự ổn định xã hội, trật tự, kỷ cương.
Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế, yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, sau hơn 14 năm thực hiện, Luật TTTP đã bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dẫn độ. Cụ thể, Luật TTTP điều chỉnh bốn lĩnh vực nhưng mỗi lĩnh vực lại có phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động, mục đích và bản chất khác nhau gồm TTTP về dân sự, TTTP về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù nên Luật khó bảo đảm áp dụng đồng bộ, dẫn đến việc các quy định chung của Luật không điều chỉnh được những đặc thù riêng trong từng lĩnh vực...
Một số quy định của Luật TTTP về dẫn độ chưa tương thích với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế (ĐƯQT) mà Việt Nam là thành viên hoặc chưa được nội luật hóa trong Luật TTTP, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai tổ chức thực hiện… Bên cạnh đó, một số quy định của Luật TTTP chưa thống nhất với quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan chưa được cụ thể hóa trong Luật TTTP…
Một số quy định trong Luật TTTP còn mâu thuẫn với nhau như quy định về hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.… Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực tế ở Việt Nam dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện như: Quy định cơ quan quản lý công tác dẫn độ (Bộ Tư pháp) không đồng thời là Cơ quan trung ương, cơ quan đầu mối về hoạt động dẫn độ (Bộ Công an); quy định trách nhiệm chủ trì đề xuất áp dụng nguyên tắc có đi có lại của Bộ Ngoại giao; quy định về ngôn ngữ và thời hạn xử lý hồ sơ và các vấn đề khác liên quan đến việc bảo đảm điều kiện về con người...
Ba chính sách xây dựng Luật Dẫn độ
Trước bối cảnh nêu trên đòi hỏi pháp luật về dẫn độ phải là khuôn khổ pháp luật đồng bộ, hiện đại, phù hợp với thực tiễn và xu thế quốc tế, tạo thuận lợi tối đa cho hợp tác tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về dẫn độ là yêu cầu khách quan nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động dẫn độ. Việc xây dựng Luật Dẫn độ là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật TTTP, về cải cách tư pháp, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phù hợp với cách tiếp cận chung hiện nay của thế giới trong lĩnh vực TTTP là phân tách các điều ước quốc tế trong từng lĩnh vực cụ thể, cũng như xây dựng các luật riêng trong từng lĩnh vực cụ thể.
Theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật Dẫn độ sẽ được thực hiện trên cơ sở tách các quy định về dẫn độ trong Luật TTTP năm 2007, có sửa đổi, kế thừa các quy định về dẫn độ còn phù hợp của Luật TTTP, đồng thời với việc nghiên cứu nội luật hóa quy định của điều ước quốc tế về dẫn độ, luật hóa các vấn đề phát sinh từ thực tiễn công tác dẫn độ và đồng bộ hóa giữa các quy định của Luật Dẫn độ mới với các đạo luật chuyên ngành có liên quan đến dẫn độ ở Việt Nam.
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, quá trình đàm phán, ký các hiệp định song phương về dẫn độ và thực tiễn triển khai thực hiện công tác dẫn độ cùng với các quy định pháp luật trong nước; sau khi tham khảo các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, học giả, Ban soạn thảo đã xác định được các chính sách quan trọng cần được đánh giá tác động, cụ thể là: Hoàn thiện pháp luật về dẫn độ phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; nội luật hóa quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; luật hóa những vấn đề phát sinh từ thực tiễn trong dẫn độ. Hoàn thiện quy trình, thủ tục thực hiện dẫn độ. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong thực hiện dẫn độ.
Toàn văn dự thảo Hồ sơ xây dựng Luật Dẫn độ được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày đăng.