Hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu

Tán thành đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tại phiên họp sáng qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh yêu cầu ngành ngân hàng, Chính phủ phải tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu, 'không thể ỷ lại vào cơ chế, nếu biến nó thành một công cụ sẽ gây trì trệ cả hệ thống'.

Phải có mục tiêu cụ thể

Lý giải cho đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42, Chính phủ cho biết, việc tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép bổ sung dự thảo Nghị quyết kéo dài thời gian áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để thông qua dự thảo Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ Ba tới.

Tờ trình của Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 đến ngày 15.8.2024 dựa trên cơ sở thực tiễn mà hiệu quả của các chính sách của Nghị quyết này mang lại, nhằm duy trì chính sách ổn định, tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ tổ chức tín dụng, VAMC đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Ảnh: Hồ Long

Tờ trình của Chính phủ cũng nhấn mạnh, cần xác định Nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 là một văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nhằm xử lý triệt để và hiệu quả nợ xấu của ngành ngân hàng. Các nội dung liên quan đến xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm cần được tiếp tục ưu tiên thực hiện theo quy định của Nghị quyết này.

Tán thành với việc bổ sung dự thảo Nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, song, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, phải xác định kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 42 nhằm đạt những mục tiêu và yêu cầu cụ thể nào, không thể kéo dài chung chung. Nếu kéo dài thực hiện trong hai năm như đề xuất của Chính phủ thì có giúp xử lý hết số nợ xấu phát sinh trước ngày 15.8.2017 vẫn còn đến hôm nay, chưa xử lý xong không? Nếu không kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 42 sẽ khó khăn, nhưng nếu được kéo dài thì phải dự liệu sẽ đạt được những gì, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng yêu cầu, Chính phủ phải báo cáo rõ số nợ xấu trước ngày 15.8.2017 và số vay trước thời điểm này nhưng xác định nợ xấu sau thời điểm nêu trên. Đặc biệt, cần báo cáo nợ xấu phát sinh sau ngày 15.8.2017 được xử lý theo pháp luật về tín dụng nói chung, không đặc thù theo Nghị quyết 42 thì tốt - xấu như thế nào để so sánh, xem làm thế nào hay hơn và cũng qua đó thấy rằng luật phải sửa nội dung gì.

Nên có luật quy định chính sách đặc biệt không?

Về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, nên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, Chính phủ phải tính đến định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu. Bởi, các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoảng, Nghị quyết 42 của Quốc hội Khóa XIV về bản chất cũng là một luật như vậy, khác hoàn toàn với cơ chế thông thường, với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan. Tương tự, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam chỉ tồn tại trong một giai đoạn, đâu thể kéo dài mãi được, lịch sử đến lúc nào đó là chấm dứt.

Theo Chủ tịch Quốc hội, không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào luật. Ngành ngân hàng, Chính phủ phải tự đặt ra áp lực để vượt lên, phải giao một số nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian thực hiện kéo dài Nghị quyết 42, nhất là nhiệm vụ về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để đưa trở về trạng thái bình thường. “Không thể ỷ lại vào cơ chế, nếu biến nó thành một công cụ sẽ gây trì trệ cả hệ thống”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tán thành với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, Nghị quyết 42 của Quốc hội đã tạo cơ chế, chính sách để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này không phải bỏ đồng nào của ngân sách, trong khi vẫn giúp thu hồi được nợ hoặc bán được nợ… Tuy nhiên, những khoản nợ trong thời gian vừa qua được xác định là nợ xấu không thu hồi được đa phần vì đã "quá xấu", bây giờ có làm thành luật đi nữa cũng không thể thu hồi được. Chỉ rõ hơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là lãi dự thu, xấu hơn cả nợ xấu, vì thực chất là ăn vào những cái không có. Lãi dự thu được tính theo hợp đồng tín dụng, cho vay 1 tỷ đồng, lãi suất 10%, mỗi năm là bao nhiêu, hạch toán ra đưa vào phân phối, chia nhau, nên bản thân gốc đã không thu được, chưa nói đến lợi nhuận.

Với các lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào năm 2022 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết 42 và được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua nghị quyết tại một kỳ họp đầu năm. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải đưa ra mục tiêu, giải pháp, bảo đảm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tranh chấp, xử lý tranh chấp tài sản trong các vụ án; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cả Trung ương và địa phương, gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức cụ thể trong việc thực hiện nghị quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần bổ sung vào Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 yêu cầu về tiến độ, thời gian xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm trình Quốc hội xem xét ban hành thay thế Nghị quyết 42, chậm nhất đến kỳ họp đầu năm 2023 phải có đề xuất những nội dung dự kiến được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng, các luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Quản lý thuế, Luật Thi hành án dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-ve-xu-ly-no-xau-26vil6unxe-82194