Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
Để thực thi có hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi, bổ sung 5 điều quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Ngày 18/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị “Phổ biến nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết thi hành”, nhằm hoàn thiện quy định pháp luật trong nước để đảm bảo cho tổ chức, cá nhân thực thi có hiệu quả hiệp định CPTPP.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Quang Huyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trên thị trường bảo hiểm hiện nay đã có 65 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài, với hơn 800 sản phẩm bảo hiểm cung cấp cho các đối tượng khách hàng hoạt động trong mọi lĩnh vực.
Thị trường bảo hiểm ngày càng khẳng định vai trò của mình trong việc góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô; bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội; bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư; thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế; góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.
Cụ thể, tính đến hết năm 2018, tổng tài sản toàn thị trường đạt 395 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 324 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm gần 40 nghìn tỷ đồng.
Để duy trì và phát huy kết quả trên, đòi hỏi thị trường bảo hiểm Việt Nam phải có hành lang pháp lý tương ứng mở rộng, để phù hợp với mức độ gia nhập thị trường quốc tế cũng như sự phức tạp của việc hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong nước.
Vì vậy, Quốc hội ban hành Luật số 42/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc mở cửa thị trường bảo hiểm một cách chủ động, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh; giảm thiểu rủi ro; đề phòng hạn chế tổn thất; hạn chế gian lận bảo hiểm; chi trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời; bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm…
Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 và Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013; Bộ Tài chính sau đó cũng ban hành Thông tư 65/2019/TT-BTC quy định về nội dung đào tạo, thi, cấp và công nhận chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.
Tại hội nghị, các cán bộ của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã trình bày những nội dung mới của Luật số 42/2019/QH14 về việc chuyển hóa quy định trong cam kết quốc tế về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại hiệp định CPTPP bao gồm: Tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; bổ sung cho phép cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được tham gia các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về kinh doanh bảo hiểm.
Đồng thời, phổ biến 2 điều (93a, 93b) quy định về nguyên tắc, chủ thể, điều kiện, trách nhiệm, hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và sửa đổi, bổ sung điều 105 về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Huyền cũng đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp tích cực của các DNBH và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đối với sự tăng trưởng, phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam./.