Hoàn thiện luật để kiểm soát rủi ro công nghệ mới

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều nay 6/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành).

Thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Tổ 15, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành dự thảo Luật.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên tham gia thảo luận Tổ chiều 6/5.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên tham gia thảo luận Tổ chiều 6/5.

Tham gia ý kiến về tên gọi của luật, theo đại biểu, trong quá trình xây dựng và thẩm tra, có những ý kiến khác nhau về tên gọi. Đại biểu đồng tình với đề xuất của Chính phủ – lấy tên là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. “Theo tôi, “khoa học – công nghệ” và “đổi mới sáng tạo” là hai lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ, song vẫn có tính độc lập tương đối. Do đó, tên gọi này vừa thể hiện rõ phạm vi điều chỉnh của luật, vừa mở ra không gian pháp lý để điều chỉnh riêng biệt từng lĩnh vực. Tên gọi này cũng phù hợp với phạm vi điều chỉnh là sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và đã được đồng thuận khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025” - đại biểu Trần Hồng Nguyên lý giải.

Liên quan đến các chính sách của Nhà nước, đại biểu đồng tình với hệ thống chính sách đã nêu trong dự thảo – được xây dựng dựa trên các văn kiện của Đại hội Đảng và thể chế hóa thành luật. Tuy nhiên, khi nghiên cứu Nghị quyết 57, đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm một chính sách rất quan trọng: Chính sách tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là tiền đề để các chính sách khác có thể triển khai hiệu quả. Dự thảo luật cần nghiên cứu, thể chế hóa nội dung này nhằm tăng tính khả thi.

Góp ý về cơ chế thử nghiệm, kiểm soát công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, đại biểu nhất trí với quy định này trong dự thảo luật. Theo đại biểu, bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu cao về các cơ chế thử nghiệm, đặc biệt khi chúng ta đang trình các mô hình đặc thù như trung tâm tài chính… Những mô hình này tiềm ẩn yếu tố chưa thể dự báo hết, nên cần thiết phải có quy định đặc thù. Tuy nhiên, bên cạnh việc cho phép thử nghiệm, cần bổ sung thêm các quy định nhằm kiểm soát rủi ro, hạn chế những hậu quả không mong muốn.

Liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu thông tin, năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát chuyên đề về đổi mới tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018–2023, bao gồm cả lĩnh vực khoa học – công nghệ. Trên cơ sở các tồn tại được chỉ ra, đại biểu cho rằng lần sửa đổi luật này là cơ hội quan trọng để khắc phục các hạn chế đó. Ví dụ, cần có quy định về thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học; Cần chuyển các tổ chức khoa học, công nghệ công lập hoạt động nghiên cứu cơ bản về trực thuộc các trường đại học, học viện nhằm gắn kết nghiên cứu với đào tạo; Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tự chủ – tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ; Thể chế hóa chính sách phân chia lợi ích từ kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước.

Góp ý về hiệu lực thi hành của luật, hiện tại, dự thảo chưa nêu rõ thời điểm có hiệu lực. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để lựa chọn thời điểm phù hợp, đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu cấp thiết ban hành sớm và khả năng hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật (nghị định, thông tư). Nếu luật có hiệu lực mà chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, sẽ phát sinh hậu quả pháp lý, gây khó khăn cho việc áp dụng và tổ chức thực hiện...

T.HÀ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hoan-thien-luat-de-kiem-soat-rui-ro-cong-nghe-moi-129979.html