Hoàn thiện Luật Hòa giải ở cơ sở đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
Chiều 19/5, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức tọa đàm 'Định hướng hoàn thiện Luật Hòa giải ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới'.

Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL Ngô Quỳnh Hoa phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Kim Liên
Các vụ việc hòa giải thành trên toàn quốc đạt 82%-85%
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (PBGDPL&TGPL) Ngô Quỳnh Hoa cho biết, công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Lịch sử đã khẳng định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong việc hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn sự bình yên trong từng ngôi nhà, từng khu phố. Đồng thời, giảm thiểu các vấn đề về khiếu kiện lên cấp trên cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trật tự của xã hội.
Hiện nay, khi triển khai 4 nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết số 66-NQ/TW, đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của các thiết chế hòa giải ngoài cộng đồng. Trong Nghị quyết số 66-NQ/TW cũng đề ra vấn đề xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật. Vậy thì muốn xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật, cần đẩy mạnh một trong những thiết chế vô cùng quan trọng mà chúng ta đã và đang thực hiện ngay tại cơ sở, đó chính là công tác hòa giải ở cơ sở.
Sau hơn 10 năm triển khai, Luật Hòa giải ở cơ sở đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Có thể đâu đó đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn có những quan điểm khác nhau nhưng riêng đối với công tác hòa giải ở cơ sở thì ghi nhận những quan điểm hết sức tích cực.
"Khối lượng các vụ việc hòa giải thành hằng năm rất lớn, trong đó, các vụ việc hòa giải thành trên toàn quốc đạt 82%-85%. Số lượng đội ngũ hòa giải viên với sự uy tín, nhiệt tình, tâm huyết cũng là một trong những yếu tố chủ chốt, quan trọng, mang tính quyết định để thực hiện thành công các vụ việc hòa giải", bà Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 vẫn còn rất nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc từ thể chế, từ Luật Hòa giải ở cơ sở cũng như quá trình tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Duy Lãm, nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL&TGPL chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Kim Liên
Định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở
Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, Cục PBGDPL&TGPL đã nghiên cứu một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Cụ thể, cần nghiên cứu hoàn thiện quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng mở rộng tối đa, quy định rõ ràng phạm vi hòa giải ở cơ sở nhằm khuyến khích, phát huy vai trò của công tác này đối với đời sống xã hội; tiếp tục nghiên cứu để bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là chính sách cụ thể nhằm thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở...
Về tiêu chuẩn, thủ tục bầu, công nhận hòa giải viên, theo Cục PBGDPL&TGPL, trong bối cảnh hiện nay cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên nhằm xây dựng, phát triển, thu hút đội ngũ hòa giải viên có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu triển khai công tác hòa giải ở cơ sở.
Để bổ sung những người có kiến thức pháp luật làm hòa giải viên ở cơ sở, khi sửa Luật Hòa giải ở cơ sở, cần nghiên cứu bổ sung những người đang là báo cáo viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý, tuyên truyền viên pháp luật, tuyên truyền viên cơ sở, công an cấp xã, Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; người đã công tác trong lĩnh vực pháp luật… tham gia làm hòa giải viên. Đồng thời, cân nhắc điều kiện có chứng chỉ bồi dưỡng của cơ quan có thẩm quyền khi công nhận hòa giải viên.
Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, bổ sung quyền của các bên trong hòa giải trong việc đề xuất hình thức hòa giải (ví dụ hòa giải trực tuyến…); quy định một trong các bên tham gia hòa giải có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành; quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Để bảo đảm phù hợp với bối cảnh sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện: bổ sung trách nhiệm của UBND cấp xã "tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên"; sửa đổi trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc báo cáo HĐND cùng cấp, UBND cấp tỉnh kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Đại diện Sở Tư pháp các địa phương chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Kim Liên
Nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, ông Lê Huy Tùng, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang đề xuất tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác hòa giải cơ sở; bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định của Luật Hòa giải cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của mặt trận trong công tác quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Bảo đảm kinh phí chi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, cần thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. tiếp tục tăng cường thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn…
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Duy Lãm (nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL&TGPL) đánh giá cao định hướng một số nội dung cần nghiên cứu để hoàn thiện Luật Hòa giải ở cơ sở của Cục PBGDPL&TGPL. Theo ông Lãm, yêu cầu của thời kỳ mới, kỷ nguyên vươn mình đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung Luật. Theo đó, cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của quốc tế; cần mở rộng phạm vi điều chỉnh nhưng cần tính toán cụ thể…