Hoàn thiện pháp luật dự trữ quốc gia: Thống nhất, đồng bộ nâng cao hiệu quả quản lý
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện nhóm giải pháp về hoàn thiện pháp luật theo Chiến lược phát triển DTQG giai đoạn 2011 - 2020, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc chủ động hoạch định và tổ chức thực hiện tốt chiến lược xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật dự trữ quốc gia (DTQG) góp phần từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về DTQG và phát huy tối đa vai trò của DTQG trong việc đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.
Hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ và đồng bộ
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, việc hoàn thiện thể chế, pháp luật DTQG luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển DTQG 10 năm và trong chương trình, kế hoạch hằng năm của Tổng cục DTNN, công tác này đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Một trong những kết quả nổi bật đã đạt được là việc xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Luật DTQG (có hiệu lực từ ngày 01/7/2013). Từ năm 2013 đến nay, Tổng cục DTNN tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật với tổng số 54 văn bản quy phạm pháp luật về DTQG được cấp có thẩm quyền ban hành. Trong số đó, có 1 Nghị quyết quy phạm pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 3 Nghị định của Chính phủ; 2 Quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ và 48 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn, quy định cụ thể về các hoạt động DTQG.
Bảo quản thiết bị, vật tư dự trữ quốc gia tại kho của Chi cục Dự trữ Nhà nước Tiên Sơn (tỉnh Bắc Ninh).
Cùng với hệ thống pháp luật về DTQG, các văn bản hướng dẫn pháp luật, tiêu chuẩn định mức, quy chế quản lý nội ngành cũng được Tổng cục DTNN tập trung xây dựng, ban hành để thực hiện thống nhất, góp phần triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật trong hoạt động DTQG. Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN đã xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành quản lý hàng DTQG thực hiện quy định pháp luật về DTQG, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng DTQG và định mức kinh tế - kỹ thuật đối với từng mặt hàng DTQG phù hợp với yêu cầu quản lý và công nghệ bảo quản mới. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về DTQG; bảo đảm chủ động về số lượng hàng DTQG phục vụ yêu cầu xuất cấp và quản lý chất lượng hàng DTQG theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật từ khâu mua sắm, nhập kho, đến khâu bảo quản và kiểm tra chất lượng trước khi xuất kho đưa vào sử dụng...
Từ kết quả xây dựng pháp luật về DTQG nêu trên cho thấy, hệ thống pháp luật DTQG đã tạo hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hoạt động DTQG từ khâu hình thành, nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, xuất cấp đến các điều kiện bảo đảm hoạt động quản lý DTQG.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật dự trữ quốc gia
Ông Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật DTQG vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn tới. Theo đó, định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật DTQG từ nay đến năm 2030 cần tập trung vào các nội dung chủ yếu như:
Thường xuyên rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật DTQG; trọng tâm là rà soát, đánh giá các quy định của Luật DTQG, quy định danh mục chi tiết hàng DTQG tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Luật DTQG và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG. Trên cơ sở đó, tổng hợp đầy đủ những bất cập, tồn tại, hạn chế trong từng văn bản để tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Xây dựng hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các thể chế mang tính chiến lược phát triển của ngành DTNN, như: Quy hoạch tổng thể kho DTQG đến năm 2030; Chiến lược DTQG đến năm 2030, tầm nhìn năm 2040.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý hàng và kho DTQG, bao gồm: Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng DTQG; hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG, định mức chi phí nghiệp vụ DTQG...
Hoàn thiện quy định về danh mục hàng DTQG và phân công quản lý hàng DTQG phù hợp với mục tiêu, tiêu chí hàng DTQG và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật chung; trình cấp có thẩm quyền Nghị định thay thế Nghị định số 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Luật DTQG. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện các chính sách của Nhà nước về DTQG, đặc biệt là chính sách huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Trung ương cho DTQG; chính sách khuyến khích, xã hội hóa hoạt động DTQG; chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ bảo quản hàng DTQG.
Tuyên truyền phổ biến pháp luật dự trữ bằng nhiều hinh thức linh hoạt
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và rà soát, theo dõi thi hành pháp luật dự trữ quốc gia (DTQG) được coi trọng và tiến hành thường xuyên song song với công tác xây dựng pháp luật DTQG. Tổng cục Dự trữ Nhà nước luôn tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm trong toàn hệ thống với nội dung thiết thực và hình thức ngày càng đa dạng. Qua công tác tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và rà soát, theo dõi thi hành pháp đã nâng cao nhận thức để thực hiện đúng quy định và phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật để định hướng hoàn thiện trong những năm tới.