Hoàn thiện pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam: Bài học kinh nghiệm từ quốc tế
Dưới góc độ tham khảo kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, tác giả bài viết đã đề xuất một số định hướng hoàn thiện pháp luật phòng chống thuốc lá tại Việt Nam.
Thuốc lá từ lâu đã được xác định là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, tim mạch, đột quỵ và các bệnh về đường hô hấp. Mặc dù Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá từ năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2023) và Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, nhưng trên thực tế, các hành vi vi phạm như bán thuốc lá cho người chưa đủ tuổi, hút thuốc tại nơi công cộng và quảng cáo thuốc lá trái phép vẫn diễn ra phổ biến, trong đó có xu hướng gia tăng ở giới trẻ.
Dưới góc độ tham khảo kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, tác giả đã đề xuất một số định hướng để hoàn thiện pháp luật phòng chống thuốc lá tại Việt Nam.
Mở rộng phạm vi cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá
Tại Anh, việc quảng cáo thuốc lá đã bị cấm toàn diện từ năm 2003 theo Đạo luật Cấm quảng cáo thuốc lá. Lệnh cấm này áp dụng cho tất cả các hình thức quảng cáo trực tiếp và gián tiếp, bao gồm truyền hình, báo in, biển quảng cáo, tài trợ sự kiện thể thao và cả quảng cáo qua internet. Các thương hiệu thuốc lá cũng không được phép tài trợ cho các đội thể thao, chương trình văn hóa hoặc các sự kiện cộng đồng.

Mở rộng phạm vi cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá. Ảnh minh họa
Tương tự, Australia là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện các biện pháp cấm quảng cáo thuốc lá mạnh mẽ. Từ năm 1992, Australia đã cấm hoàn toàn quảng cáo thuốc lá trên tất cả các phương tiện truyền thông, kể cả truyền hình, radio, báo in và quảng cáo ngoài trời. Ngoài ra, nước này còn đi xa hơn khi cấm luôn việc trưng bày bao bì bắt mắt và yêu cầu tất cả sản phẩm thuốc lá phải đóng gói trơn, không logo, không màu sắc hấp dẫn. Các hãng thuốc lá cũng bị cấm tài trợ cho mọi sự kiện thể thao, giải trí hoặc hoạt động công cộng.
Nhờ những biện pháp toàn diện này, cả Anh và Australia đều đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên và dân số nói chung.
Do đó, Việt Nam cần cân nhắc, bổ sung quy định nghiêm ngặt về việc cấm tất cả các hình thức quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả quảng cáo gián tiếp và quảng cáo qua các kênh truyền thông kỹ thuật số như mạng xã hội, blog, và các trang web.
Mặc dù hiện nay Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã cấm quảng cáo thuốc lá trên truyền hình, radio và các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng các hình thức quảng cáo gián tiếp qua các nền tảng mạng xã hội vẫn tồn tại. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với thanh thiếu niên, vì chúng có thể bị cuốn vào những chiến dịch quảng cáo dễ tiếp cận qua internet. Do đó, đề xuất bổ sung quy định cấm hoàn toàn việc quảng cáo, khuyến mại thuốc lá trên tất cả các nền tảng truyền thông (bao gồm cả truyền hình, internet, và các sự kiện thể thao, nghệ thuật tài trợ bởi các hãng thuốc lá).
Mở rộng phạm vi các khu vực cấm hút thuốc, bao gồm cả các không gian ngoài trời và các khu vực công cộng khác
Singapore là một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng môi trường không khói thuốc ngoài trời, với các chính sách nghiêm ngặt nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Từ những năm 1970, Singapore đã bắt đầu cấm hút thuốc trong các khu vực trong nhà, và sau đó mở rộng lệnh cấm ra ngoài trời, bao gồm công viên, bãi biển, sân chơi trẻ em, khu vực xung quanh bệnh viện và trường học. Các khu vực này đều được quy định là "vùng không khói thuốc", và người vi phạm có thể bị phạt lên đến 1.000 SGD.
Nhờ những biện pháp này, tỷ lệ hút thuốc tại Singapore đã giảm đáng kể, từ 18,3% năm 1992 xuống chỉ còn 10,1% vào năm 2020, đồng thời giảm mạnh mức độ phơi nhiễm khói thuốc thụ động trong cộng đồng.
Tại Việt Nam, Điều 11 và 12 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2023) đã quy định các khu vực không hút thuốc trong nhà, nhưng việc cấm hút thuốc ngoài trời tại các khu vực đông người vẫn chưa được triển khai đồng bộ.
Khói thuốc lá không chỉ gây hại cho người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người không hút thuốc nhưng phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Vì vậy, rất cần thiết phải bổ sung các quy định cấm hút thuốc tại các không gian công cộng ngoài trời, bao gồm công viên, sân chơi, và khu vực xung quanh các trường học, bệnh viện, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng sống.

Mở rộng phạm vi các khu vực cấm hút thuốc, bao gồm cả các không gian ngoài trời và các khu vực công cộng khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá
Hiện nay, theo các Điều 25, 26 và 27 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm chỉ dao động từ 200.000 đến 500.000 đồng; hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; hành vi quảng cáo thuốc lá trái quy định bị phạt tối đa 30.000.000 đồng.
Đây là những con số khá "khiêm tốn" nếu đặt trong bối cảnh thuốc lá là một loại sản phẩm gây nghiện có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và chi phí y tế dài hạn của quốc gia.
Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các mức xử phạt nghiêm khắc và chính sách toàn diện nhằm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng và quảng bá thuốc lá.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng mức xử phạt nghiêm khắc nhằm hạn chế các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá. Tại Singapore, người hút thuốc tại khu vực cấm có thể bị phạt tới 1.000 SGD (gần 18 triệu đồng), còn hành vi bán thuốc lá cho người dưới 21 tuổi có thể bị phạt đến 10.000 SGD và bị tước giấy phép kinh doanh nếu tái phạm.
Ở Australia, bang New South Wales xử phạt 300 AUD (khoảng 5.000.000 đồng) đối với hành vi hút thuốc nơi cấm, và lên đến 11.000 AUD (gần 190.000.000 đồng) với cá nhân bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên, 55.000 AUD nếu là tổ chức.
Tại Anh, hút thuốc nơi cấm có thể bị xử phạt tại chỗ 50 bảng Anh, và lên đến 1.000 bảng (gần 30.000.000 đồng) nếu ra tòa; mọi hình thức quảng cáo thuốc lá đều bị cấm tuyệt đối. Hoa Kỳ không có khung xử phạt liên bang thống nhất, nhưng ở nhiều bang như New York, hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ tuổi bị phạt từ 300 USD đến 1.500 USD, có thể bị đóng cửa cơ sở tái phạm; hành vi hút thuốc nơi cấm bị xử phạt 500 USD trở lên.
Các mức phạt cao cùng với cơ chế giám sát nghiêm ngặt đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc tại các quốc gia này.
Để tăng cường hiệu quả trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam cần khẩn trương sửa đổi Nghị định 117/2020/NĐ-CP theo hướng siết chặt và nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm phổ biến nhưng đang bị xử lý chưa đủ sức răn đe.
Cụ thể, cần xem xét tăng mạnh mức phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm từ mức hiện nay là 200.000 - 500.000 đồng lên 2.000.000 - 5.000.000 đồng, đồng thời bỏ hình thức cảnh cáo vốn không có tính cưỡng chế.
Bên cạnh đó, hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, vốn chỉ bị phạt 3.000.000 - 5.000.000 đồng, nên được nâng lên mức 30.000.000 - 50.000.000 đồng, tương xứng với mức độ nguy hiểm của việc tiếp tay cho thói quen có hại hình thành từ sớm.
Đặc biệt, đối với hành vi quảng cáo thuốc lá trái quy định, cần tăng mức phạt từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng lên 200.000.000 - 300.000.000 đồng, đồng thời bổ sung biện pháp xử lý bổ sung như tước quyền quảng cáo hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh nếu tái phạm.
Những điều chỉnh này không chỉ giúp đồng bộ hơn với chính sách của nhiều quốc gia tiên tiến như Singapore, Australia hay Anh, mà còn tạo nền tảng pháp lý vững chắc để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.