Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân

Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp hạt nhân nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tự chủ năng lượng và trung hòa carbon.

Việt Nam đang từng bước đặt nền móng cho việc làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân, hướng tới phát triển ngành công nghiệp hạt nhân nội địa, phục vụ các mục tiêu chiến lược về tự chủ năng lượng, trung hòa carbon và nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 15/5 về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: điện hạt nhân đang được nhiều quốc gia xem là nguồn năng lượng xanh và điện nền, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng. Theo xu hướng chung, điện hạt nhân sẽ chiếm khoảng 10–30% tổng nguồn cung năng lượng điện ở các nước phát triển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam xác định rõ mục tiêu nội địa hóa công nghệ hạt nhân, trước mắt tập trung vào chế tạo thiết bị quan trắc phóng xạ, đảm bảo an toàn và phục vụ ứng dụng bức xạ trong nhiều lĩnh vực. Về lâu dài, sẽ tiến tới phát triển nhà máy điện hạt nhân và các lò phản ứng nghiên cứu.

Luật sửa đổi sẽ mở đường cho việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hạt nhân trong nước, bao gồm nghiên cứu, sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực và thu hút chuyên gia trong và ngoài nước. Dự thảo cũng quy định rõ các chính sách ưu đãi tài chính, hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Để đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án điện hạt nhân, Bộ trưởng cho biết dự luật cho phép áp dụng cơ chế đặc thù như chỉ định thầu, sử dụng tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của nhà cung cấp, cùng với các khoản chi cho công tác thẩm định và đào tạo. Ngoài ra, một chương riêng sẽ được thiết kế trong luật để quy định cụ thể về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, duy trì hoạt động giám sát thường xuyên trong toàn bộ vòng đời của nhà máy điện hạt nhân.

Việt Nam cũng đang tham vấn chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để đảm bảo dự luật phù hợp với các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế. Theo đánh giá ban đầu từ IAEA, các quy định trong dự thảo đã đáp ứng được yêu cầu về an toàn bức xạ, an ninh và thanh sát hạt nhân.

Một điểm mới của dự thảo luật là chính sách xã hội hóa đầu tư, cho phép tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết bị bức xạ và nghiên cứu công nghệ hạt nhân. Tuy nhiên, vấn đề này cũng vấp phải những lo ngại từ một số đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cảnh báo cần kiểm soát phạm vi xã hội hóa để tránh việc tư nhân tham gia vào các khâu tiềm ẩn rủi ro cao như xây dựng lò phản ứng hạt nhân. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đề nghị phân loại rõ mức độ ưu tiên đầu tư theo rủi ro và tính phức tạp của công nghệ, ưu tiên các ứng dụng thương mại cao như chiếu xạ khử trùng, kiểm tra công nghiệp và xạ trị y tế.

Dự luật sửa đổi được kỳ vọng sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để định hướng và phát triển toàn diện lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam, từ đó từng bước đưa đất nước tiến tới tự chủ công nghệ hạt nhân. Luật sẽ cụ thể hóa nguyên tắc phân cấp, quy định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan và bảo đảm sự thống nhất với các cam kết quốc tế.

Quốc hội dự kiến sẽ xem xét và thông qua dự luật vào ngày 16/6 tới. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong lộ trình xây dựng ngành công nghiệp hạt nhân Việt Nam trong tương lai.

Duy Tuấn

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/cong-nghe/viet-nam-tien-toi-lam-chu-cong-nghe-nang-luong-hat-nhan-202505152301255651.html