Xe tự lái: Giữa kỳ vọng và thực tế còn nhiều tranh cãi
Công nghệ xe tự lái được kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giao thông vận tải, tuy nhiên, công nghệ này vẫn đang là tâm điểm của vô số tranh cãi từ nhiều phía.
Trong bối cảnh công nghệ không ngừng phát triển, xu hướng tự động hóa máy móc và phương tiện di chuyển đang trở thành một lẽ tất yếu của thời đại. Xe tự lái là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho xu hướng này, thu hút sự đầu tư và kỳ vọng lớn từ nhiều hãng xe lớn trên thế giới. Thế nhưng, sau hàng loạt vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trong thời gian gần đây, công nghệ xe tự hành đã vướng phải nhiều tranh cãi và ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Mới đây nhất, hãng xe tự lái tại Mỹ - Waymo đã tiến hành thu hồi phần mềm trên 1.200 xe tự lái sau khi một số robotaxi của hãng va chạm nhẹ với cửa, dây xích vỉa hè và các vật thể ven đường tương tự.
Trước đó, vào năm ngoái, Cơ quan An toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ đã mở cuộc đánh giá sơ bộ đối với hệ thống lái tự động của Waymo sau khi ghi nhận 7 vụ việc robotaxi đâm vào các vật thể trên đường trong thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2024. Hiện nay, Waymo đang vận hành 1.500 robotaxi thương mại tại Austin, Los Angeles, Phoenix và San Francisco.
Cũng tại Mỹ, các hãng xe robotaxi tự lái như Criude và Zoox đã triển khai dịch vụ robotaxi (taxi không người lái) tại nhiều bang như Arizona, Texas và California. Gần đây nhất, hãng xe Zoox cũng đã phải triệu hồi xe do vụ tai nạn ngày 8/4 tại Las Vegas. Sau đó, hãng xe này tạm dừng hoạt động trong vài ngày để đánh giá mức độ an toàn và phát triển bản cập nhật phần mềm nhằm khắc phục vấn đề.
Tại châu Á, Trung Quốc nổi lên là quốc gia tiên phong trong phát triển xe tự lái. Nhiều doanh nghiệp như XPeng, NIO và BYD đã được cấp phép thử nghiệm công nghệ lái xe tự động. Chính phủ nước này không chỉ cấp giấy phép, mà còn đầu tư mạnh cho hạ tầng hỗ trợ như đường thông minh và khu công nghiệp sản xuất chip dành riêng cho xe tự hành. Vào cuối năm 2024, thành phố Vũ Hán đã công bố dự án trị giá 2,3 tỷ USD để phát triển hệ sinh thái cho phương tiện tự động.
Tại Nhật Bản, Nissan là một trong những nhà sản xuất dẫn đầu xu hướng phát triển xe tự lái khi hãng này vừa ra mắt công nghệ tự lái mới nhất. Chiếc xe tự lái của Nissan được trang bị 14 camera, 9 radar và 6 cảm biến LiDAR giúp nhận diện môi trường xung quanh. Hành khách có thể đặt xe thông qua một ứng dụng di động, lựa chọn điểm đến trước khi xe khởi hành. Khi cửa xe đóng lại, hệ thống sẽ thông báo sẵn sàng lăn bánh. Thương hiệu này kỳ vọng sẽ giúp giải quyết được tình trạng thiếu hụt tài xế ngày càng tăng và dân số ngày càng già hóa tại đất nước "Mặt trời mọc".
Sau nhiều tai nạn liên quan đến dòng xe tự hành, nhiều nước trên thế giới đã phải siết chặt khâu quản lý như cấm thử nghiệm tính năng tự lái với người dùng phổ thông, cấm cung cấp tính năng tự lái không giám sát như đỗ xe tự động từ xa và yêu cầu hệ thống giám sát tài xế không được phép tắt. Tại Mỹ, bang California vừa đề xuất quy trình thử nghiệm chặt chẽ hơn cho xe tải tự lái hạng nặng, yêu cầu phải thử nghiệm tới hơn 800.000 km mới được phép vận hành.
Bên cạnh an toàn kỹ thuật, các vấn đề đạo đức và pháp lý cũng là những điểm nóng tranh cãi. Thực tế, ở nơi được ví như thủ phủ của xe tự lái - San Francisco, Mỹ - đã có những trường hợp mà xe tự lái không hành động giống như con người, dẫn đến những tình huống xung đột phức tạp. Đó là khi xe tự lái dừng hẳn lại và gây tắc đường vì sương mù, hay tỏ ra lúng túng vì không hiểu tín hiệu của cảnh sát khi bị bắt phải dừng lại. Trong trường hợp tài xế là con người, quyết định sẽ được đưa ra nhanh chóng hơn.
Một rào cản đáng kể đối với sự chấp nhận rộng rãi của xe tự lái nằm ở chính tâm lý và sự tin tưởng của người tiêu dùng. Dữ liệu từ một cuộc khảo sát năm 2024 được thực hiện bởi Quỹ AAA (AAA Foundation) tại Mỹ cho thấy, đa số người dân vẫn còn e ngại: có tới 66% người được hỏi bày tỏ sự lo ngại về công nghệ này, trong khi chỉ một bộ phận rất nhỏ - 9% người tham gia khảo sát thực sự đặt niềm tin vào xe tự lái hoàn toàn.
Chính vì những thách thức lớn về an toàn, đạo đức, pháp lý và xã hội này mà công nghệ xe tự lái hiện vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi và đòi hỏi sự nghiên cứu, thử nghiệm cũng như xây dựng quy định hết sức cẩn trọng trước khi có thể chính thức trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày tại nhiều quốc gia trên thế giới.