Hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế

Bộ Công an đang xây dựng Luật Dẫn độ nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Công an cho biết, Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) được ban hành ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Trong đó, hoạt động dẫn độ được quy định tại Chương IV (từ Điều 32 đến Điều 48) và một số quy định tại Chương I, Chương VI.

Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật TTTP năm 2007, công tác dẫn độ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 41 yêu cầu dẫn độ (YCDĐ) do cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài gửi đến (yêu cầu dẫn độ đến); đã lập và chuyển 95 hồ sơ YCDĐ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (yêu cầu dẫn độ đi). Kết quả công tác dẫn độ đã góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự mà đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quy định về dẫn độ trong Luật TTTP năm 2007 và hoạt động dẫn độ cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như sau:

Một số quy định của Luật TTTP về dẫn độ chưa tương thích với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các Điều ước Quốc tế (ĐƯQT) mà Việt Nam là thành viên hoặc chưa được nội luật hóa trong Luật TTTP, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai tổ chức thực hiện. Luật TTTP không có quy định về biện pháp "bắt khẩn cấp" trước khi Nước yêu cầu đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức nhưng theo thông lệ quốc tế và trong nhiều ĐƯQT về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết có quy định này nhằm ngăn chặn ngay việc người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn nếu Nước yêu cầu cam kết sẽ gửi yêu cầu dẫn độ chính thức trong thời gian sớm nhất có thể. Luật TTTP chưa có quy định về thủ tục dẫn độ đơn giản, chưa có quy định về giải quyết trường hợp nước ngoài xin quá cảnh người bị dẫn độ, các quy định liên quan đến cam kết không áp dụng án tử hình khi phía nước ngoài có yêu cầu…

Một số quy định về dẫn độ trong Luật TTTP, BLTTHS năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan còn chưa thống nhất với nhau hoặc chưa được quy định cụ thể. Theo đó, quy định tại Điều 500 và 501 BLTTHS năm 2015 quy định về điều kiện cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ và trình tự, thủ tục xem xét yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ thực chất là việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án hình sự của Tòa án có thẩm quyền của nước ngoài nhưng trong phạm vi TTTP về hình sự theo Luật TTTP chưa có quy định về việc cho thi hành tại Việt Nam bản án hình sự của Tòa án nước ngoài mà mới chỉ có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam. Quy định về hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tại Điều 7 Luật TTTP không áp dụng cho hoạt động dẫn độ do các giấy tờ, tài liệu trong hoạt động dẫn độ thường được miễn hợp pháp hóa lãnh sự. Quy định tại khoản 2 Điều 3 về "việc áp dụng pháp luật nước ngoài chỉ được thực hiện theo quy định của ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên" nhưng lại có quy định cho phép áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong pháp luật quốc tế tại khoản 2 Điều 4…

Một số quy định của Luật TTTP về dẫn độ chưa phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực tế ở Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện như: quy định cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý hoạt động TTTP, bao gồm công tác dẫn độ (Bộ Tư pháp) không đồng thời là Cơ quan trung ương, cơ quan đầu mối về hoạt động dẫn độ (Bộ Công an); quy định trách nhiệm chủ trì đề xuất áp dụng nguyên tắc có đi có lại của Bộ Ngoại giao; quy định về ngôn ngữ và thời hạn xử lý hồ sơ và các vấn đề khác liên quan đến việc bảo đảm điều kiện về con người; các quy định về kinh phí trong quá trình áp giải, tiếp nhận dẫn độ, tiếp nhận và chuyển yêu cầu dẫn độ qua kênh ngoại giao; quy định về phân công, phối hợp và trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động dẫn độ…

Một số quy định của Luật TTTP chưa dự báo được hết các vấn đề có thể phát sinh trên thực tế như: giải quyết trường hợp yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người mà yêu cầu dẫn độ được gửi đến sau khi Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã thụ lý yêu cầu dẫn độ trước; giải quyết trường hợp người bị dẫn độ là công dân Việt Nam bị nước ngoài yêu cầu dẫn độ để thi hành án; giải quyết trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn khỏi Việt Nam trước khi có căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn; việc kết hợp thủ tục dẫn độ và thủ tục yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự trong TTTP về hình sự…

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia có xu hướng xây dựng Luật Dẫn độ để thuận lợi cho việc áp dụng. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia... đều đã xây dựng và ban hành luật riêng về dẫn độ. Liên hợp quốc cũng đã thông qua Luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước. Ở cấp độ khu vực, ASEAN đã xây dựng Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và đang xây dựng Hiệp định về dẫn độ. Các quốc gia đã ký kết hiệp định TTTP về dân sự và hình sự với Việt Nam trong thời gian trước đây hiện đang bày tỏ mong muốn đàm phán, ký kết các hiệp định riêng về lĩnh vực dẫn độ để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện. Trên thực tế, Việt Nam đã đàm phán các hiệp định riêng biệt về dẫn độ với Hungary, Mông Cổ, Lào trên cơ sở tách từ hiệp định chung điều chỉnh cả 04 lĩnh vực với các quốc gia này.

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi pháp luật về dẫn độ phải là khuôn khổ pháp luật đồng bộ, hiện đại, phù hợp với thực tiễn và xu thế quốc tế, tạo thuận lợi tối đa cho hợp tác tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài. Việc xây dựng Luật Dẫn độ là yêu cầu cấp thiết khách quan, một mặt thực hiện chủ trương và đề xuất tách Luật TTTP đã được phê duyệt, một mặt khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động TTTP nói chung và Luật TTTP nói riêng, đáp ứng yêu cầu của công tác này trong tình hình mới.

Luật Dẫn độ sẽ được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, kế thừa các quy định TTTP trong lĩnh vực dẫn độ còn phù hợp của Luật TTTP và các văn bản hướng dẫn thi hành, bổ sung các nội dung mới, cụ thể, chi tiết đáp ứng các yêu cầu phát triển của hội nhập quốc tế và yêu cầu, đặc thù riêng của hoạt động dẫn độ. Việc xây dựng đạo luật riêng về dẫn độ cũng phù hợp với cách tiếp cận chung của thế giới trong lĩnh vực TTTP là phân tách các điều ước quốc tế trong từng lĩnh vực dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, dân sự và hình sự. Việc xây dựng Luật Dẫn độ là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật TTTP, về cải cách tư pháp, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dự thảo Luật tập trung vào 3 chính sách

Chính sách 1: Thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và quốc tế

Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả hoạt động dẫn độ

Chính sách 3: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong thực hiện dẫn độ.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nước Nước

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/hoan-thien-phap-luat-ve-dan-do-theo-huong-dong-bo-hien-dai-phu-hop-voi-phap-luat-va-thong-le-quoc-te-102240726101540093.htm