Hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân trong các vụ mua bán người
Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) là những quy định về việc hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân trong các vụ mua bán người.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã sửa đổi toàn diện các quy định của Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới, phù hợp với các luật có liên quan và phù hợp với Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất quán với mục tiêu của chính sách và bảo đảm thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống mua bán người.
Thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống mua bán người trong những năm qua, một trong những vướng mắc lớn là khi những người là nạn nhân đến trình báo với các cơ quan chức năng về việc bị mua bán, khi các cơ quan chức năng tiếp nhận, giải quyết thực tiễn đã hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu (ăn, ở, mặc, đi lại, phiên dịch…) cho họ. Tuy nhiên, chưa có quy định chi cho việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho đối tượng này mà chỉ khi họ được xác định là nạn nhân thì mới được hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu.
Như vậy, pháp luật đang có khoảng trống về việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho đối tượng này. Do vậy, cần bổ sung chế định này trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người. Đồng thời, với nguyên tắc lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân làm trung tâm nên dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã dành Chương V quy định về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, quy định về đối tượng và chế độ hỗ trợ; cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, dự thảo luật đã quy định về chế độ hỗ trợ những nhu cầu thiết yếu, gồm: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu; hỗ trợ chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; hỗ trợ pháp luật, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân.
Đối với nạn nhân, dự thảo đã bổ sung và nâng cao chế độ hỗ trợ cho đối tượng này để phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế của đất nước: Hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú (Luật hiện hành quy định chỉ nạn nhân không có khả năng chi trả mới được hỗ trợ); được hỗ trợ chi phí khám sức khỏe khi tiếp nhận. Trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân mà họ bị ốm, bị thương tích thì được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh; chưa có bảo hiểm y tế thì được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên (Luật hiện hành quy định chỉ nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân mới được hỗ trợ).
Dự thảo Luật cũng mở rộng đối tượng được hỗ trợ để ổn định tâm lý đối với trường hợp nạn nhân không lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân (Luật hiện hành quy định chỉ nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân mới được hỗ trợ); mở rộng đối tượng và nội dung được trợ giúp pháp lý; mở rộng đối tượng khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống (Luật hiện hành quy định chỉ nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được hỗ trợ); mở rộng đối tượng nạn nhân khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu (Luật hiện hành quy định chỉ nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được hỗ trợ); được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân (Luật hiện hành không quy định nạn nhân được hỗ trợ chế độ này). Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bảo đảm phân cấp, phân quyền cụ thể cho các cơ quan chức năng.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc sửa đổi, bổ sung nêu trên nhằm cụ thể hóa chính sách về quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hoàn thiện quy định về quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập thời gian qua, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như trong thời gian tới, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 65 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 55 điều, xây dựng mới 10 điều, bỏ 2 điều.
Việc dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được xây dựng và ban hành sẽ là bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; đặc biệt kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có ý nghĩa chính trị cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.