Hoàn thiện quy định thuế giá trị gia tăng với vận tải công cộng
Trong bối cảnh Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, việc hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện và phương tiện thủy nội địa trở nên cấp thiết nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Ảnh minh họa: MINH PHƯƠNG.
Hiện nay, khoản 16 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng quy định: “Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện, phương tiện thủy nội địa” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, khái niệm và phạm vi áp dụng cụ thể với từng loại hình vận tải vẫn chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến cách hiểu và triển khai không thống nhất trong thực tế.
Theo Bộ Tài chính, tại khoản 16 Điều 3 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng, nội dung được đề xuất làm rõ là: “Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện, phương tiện thủy nội địa thực hiện nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh có các điểm dừng đón, trả khách”.
Quy định này kế thừa cách hiểu tại Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đồng thời mở rộng áp dụng cho các phương thức vận tải khác như tàu điện và phương tiện thủy nội địa.
Trong Dự thảo Tờ trình Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng gửi Chính phủ, Bộ Tài chính khẳng định việc ban hành quy định chi tiết là cần thiết để thực hiện đúng nội dung đã được Quốc hội giao trong Luật, đồng thời “khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện pháp luật thuế giá trị gia tăng thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan”.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, quy định mới không làm phát sinh thủ tục hành chính hay chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, bảo đảm tính ổn định, minh bạch và hiệu quả trong tổ chức thực hiện chính sách. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh quản lý thuế điện tử và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, nộp thuế đầy đủ và kịp thời.
Không chỉ có ý nghĩa về mặt kỹ thuật pháp lý, việc hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng cho vận tải công cộng còn được xem là một công cụ hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông bền vững, giảm áp lực giao thông đô thị, thúc đẩy mô hình đi lại xanh và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống.
Về mặt pháp lý, nội dung này nằm trong phạm vi được Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng theo Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024. Dự thảo Nghị định được soạn thảo trên tinh thần kế thừa các quy định đang vận hành ổn định, đồng thời cập nhật những thay đổi cần thiết để phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Trong tờ trình, Bộ Tài chính cũng nêu rõ: “Việc quy định chi tiết là giải pháp phù hợp với thẩm quyền được Quốc hội giao và cần thiết để bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong thực tiễn. Đây là một bước đi cụ thể, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng, góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân và bảo vệ môi trường đô thị”.