Hoàn thiện quy định tố tụng vắng mặt bảo đảm không lọt tội, quyền được xét xử công bằng
Bày tỏ tán thành cao với đề xuất bổ sung quy định cho phép tiến hành điều tra, truy tố trong trường hợp bị can, bị cáo vắng mặt, đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị thiết kế quy trình tố tụng chặt chẽ để vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, vừa không xâm phạm các quyền của người bị buộc tội.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội, chiều 27/5/2025. (Ảnh: BÙI GIANG)
Bổ sung cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Chiều 27/5, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng thuận cao với việc bổ sung các quy định mới, đặc biệt là liên quan đến thủ tục điều tra, truy tố và xét xử trong trường hợp bị can, bị cáo vắng mặt do bỏ trốn hoặc đang ở nước ngoài.
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) bày tỏ sự đồng tình cao với nội dung tờ trình dự thảo luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng việc sửa đổi lần này tập trung vào các vấn đề cấp thiết của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh hệ thống tư pháp đang được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Theo ông, quy định bổ sung nhằm cho phép điều tra, truy tố và xét xử đối với những bị can, bị cáo đã bỏ trốn hoặc đang bị truy nã nhưng chưa có kết quả bắt giữ là rất cần thiết.
“Đây là những nội dung bổ sung cần thiết để chúng ta thực hiện quy trình tố tụng vừa bảo đảm xét xử, điều tra, truy tố không lọt người, không lọt tội nhưng cũng để bảo đảm quyền tự bào chữa, bào chữa cho người xét xử vắng mặt”, ông Thân phân tích.
Chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, điều tra, truy tố trong trường hợp vắng mặt là một quy định mới rất cần thiết.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)
Từ thực tiễn thời gian qua, có những bị can sau khi bị khởi tố vụ án thì đã “cao chạy xa bay”, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, đại biểu nhấn mạnh, cần phải có cơ chế pháp lý nhất định liên quan truy tố, xét xử vắng mặt mà trong quy định hiện hành chưa có.
Theo ông, dự thảo đã kịp thời bổ sung các thủ tục pháp lý cần thiết, phù hợp với thực tiễn và “phù hợp lòng dân” khi xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật nhưng cố tình bỏ trốn nhằm né tránh trách nhiệm.
“Không thể chấp nhận khi đã sai phạm, vi phạm luật pháp Việt Nam rồi tìm mọi cách trốn ra nước ngoài, để rồi coi như đã bình lặng, yên ổn, không xử lý gì được nữa”, đại biểu nêu quan điểm.
Bảo đảm quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ sự đồng thuận với việc bổ sung quy định cho phép truy tố trong trường hợp bị can bỏ trốn hoặc ở nước ngoài không thể triệu tập.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, đây là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết tình trạng tồn đọng nhiều vụ án, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, có yếu tố bỏ trốn, thể hiện sự quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy vậy, bà Lệ cũng nhấn mạnh rằng, xét xử vắng mặt là một thủ tục tố tụng đặc biệt, cần được quy định một cách chặt chẽ để không ảnh hưởng đến quyền bào chữa và quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội.
Để quyền bào chữa được thực thi một cách thực chất, nữ đại biểu đề nghị Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định việc chỉ định người bào chữa là bắt buộc trong mọi trường hợp tiến hành tố tụng vắng mặt.
Đồng thời, người bào chữa phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận hồ sơ vụ án từ sớm, tham gia các hoạt động tố tụng cần thiết và có đủ thời gian, nguồn lực để chuẩn bị và thực hiện việc bào chữa.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội, chiều 27/5/2025. (Ảnh: BÙI GIANG)
Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất mở rộng các phương thức thông báo, tống đạt, niêm yết kết luận điều tra và cáo trạng.
Theo bà Lệ, không chỉ dừng ở việc niêm yết tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị can, mà cần bổ sung các hình thức đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành tố tụng, phương tiện thông tin đại chúng có uy tín, và cả các kênh hợp tác quốc tế về tư pháp, cơ quan đại diện ngoại giao, qua đó tăng khả năng thông tin đến được với bị can hoặc những người liên quan.
Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh việc bảo đảm quyền được xét xử lại một cách đầy đủ, công bằng trong trường hợp người bị kết án vắng mặt tự nguyện trình diện hoặc bị bắt theo quyết định truy nã. Nữ đại biểu nêu rõ, phiên tòa xét xử lại phải bảo đảm mọi quyền tố tụng cho họ như đối với bị cáo thông thường.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp. (Ảnh: BÙI GIANG)
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến khẳng định: Việc xét xử vắng mặt không phải là vấn đề hoàn toàn mới, mà thực tế đã từng được triển khai ở một số vụ án hình sự.
Đặc biệt, với các tội phạm kinh tế, tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài, việc ban hành bản án vắng mặt là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục dẫn độ hoặc yêu cầu hợp tác tư pháp từ các quốc gia có liên quan.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho biết, dù đã có quy định xét xử vắng mặt trong Bộ luật trước đây, nhưng khâu điều tra và truy tố đối với người vắng mặt thì chưa được pháp luật quy định đầy đủ. Việc bổ sung trong Bộ luật Tố tụng hình sự lần này là nhằm lấp đầy khoảng trống pháp lý đó.
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội về yêu cầu thiết kế thủ tục tố tụng vắng mặt một cách chặt chẽ. Ông nhấn mạnh, dự thảo luật hiện đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể.
“Chúng tôi sẽ rà soát lại để sau khi luật thông qua sẽ ban hành các hướng dẫn cụ thể, thí dụ tống đạt như thế nào, thông qua phương tiện ra sao hoặc thông báo rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để các đối tượng nắm bắt được”, ông Tiến cho biết.