Hoàn thiện sản phẩm thương mại, rộng đường tiêu thụ nông sản

Hội tụ các điều kiện cần và đủ, sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng của HTX An Nghiệp đã trở thành hàng hóa có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: MINH DUYÊN

Trong quá trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, các HTX thường không hoàn thiện hết điều kiện cần thiết về mẫu mã, bao bì, mã QR (truy xuất nguồn gốc), mã vạch hàng hóa… trước khi đưa ra thị trường. Điều này ảnh hưởng tới việc mở rộng giao thương, hẹp đầu ra tiêu thụ.

Kinh nghiệm từ người đi trước

Hiện sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng của HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) không còn xa lạ với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nhưng trước đó, một thời gian dài, kênh tiêu thụ sản phẩm này vẫn chủ yếu ở phạm vi trong xã hoặc qua các hội chợ thương mại. Khi HTX Nông nghiệp An Nghiệp hoàn thiện bao bì, mã vạch hàng hóa, mã QR thì sản phẩm mới có mặt trong các siêu thị và xuất khẩu được.

Theo ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp, vụ đông xuân 2017-2018, HTX chính thức đưa ra thị trường sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng. Thông qua kênh của Liên minh HTX tỉnh, sản phẩm được ưu tiên tham gia hội chợ thương mại tỉnh. Phản hồi của khách hàng chủ yếu là chất lượng gạo tốt nhưng mẫu mã, bao bì xấu nên hoài nghi, chỉ mua vài ký ăn thử. Còn các doanh nghiệp, đơn vị thu mua số lượng lớn thì ngại hợp tác vì sản phẩm không có mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc. Thấy rõ thiếu sót của sản phẩm, Hội đồng quản trị HTX bắt tay vào hoàn thiện, một mặt thuê thiết kế mẫu mã bao bì với chất liệu cao cấp, mặt khác hoàn thiện hồ sơ để được cấp mã vạch hàng hóa, mã QR. Đến năm 2020, HTX hoàn thiện xong và sản phẩm chính thức có mặt trong các siêu thị. Ngay lập tức, HTX có thêm đơn hàng xuất khẩu bên cạnh các hợp đồng tiêu thụ truyền thống. Hiện gạo thơm Hoa Vàng của HTX tiêu thụ bình quân 2 tấn/tháng, tăng 50% so với trước. “Trước kia chưa làm, chúng tôi nghĩ thủ tục nhiều chắc tốn kém và mất thời gian. Khi bắt tay thực hiện mới thấy HTX được các đơn vị tạo điều kiện rất nhiều. Sở Công thương hỗ trợ HTX thiết kế mẫu và việc hoàn tất mã vạch, mã QR kinh phí hơn 5 triệu đồng. Có đủ những cái đó rồi, vị thế sản phẩm của HTX được nâng lên, lòng tin khách hàng được củng cố…”, ông Khoa nói.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa), lúc mới ra đời, sản phẩm rượu tằm Hòa Phong của HTX chỉ có một dáng chai trụ đứng, dung tích 750ml, tem mác chưa bắt mắt và sang trọng. Nhận được phản hồi của khách hàng, HTX ngay lập tức sản xuất thêm chai dung tích nhỏ và chai tròn, hình ảnh màu sắc cũng trau chuốt hơn. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, sản phẩm đã đủ điều kiện có mặt trong các nhà hàng, siêu thị, khu trưng bày sản phẩm đặc sản của tỉnh. Khách du lịch cả nước biết tới nhiều hơn nên khả năng tiêu thụ cao hơn.

Trong khi đó, sản phẩm sachi rang sấy của HTX Eabar Emi Farm (huyện Sông Hinh) đi được nửa chặng đường thì gặp khó do tiêu thụ chậm hơn nông sản khác. Ông Trần Ngọc Phú, Giám đốc HTX này cho biết: HTX đã đầu tư máy móc, làm mẫu mã bao bì nhưng chưa có mã vạch hàng hóa, mã QR nên chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ. Sau một thời gian, doanh thu không bằng so với các loại trái cây truyền thống khác ở địa phương như sầu riêng, bơ, cam… nên HTX quyết định thu hẹp diện tích sản xuất và không đầu tư thêm cho thương hiệu này nữa.

Nâng cao nhận thức

Theo Liên minh HTX tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 10 thương hiệu nông sản gắn với HTX nhưng chỉ có gần một nửa trong số đó hoàn chỉnh trở thành sản phẩm thương mại, đủ điều kiện có mặt trong các kệ hàng của siêu thị, nhà hàng, khách sạn… Những sản phẩm còn lại chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ, manh mún và thỉnh thoảng có mặt tại các gian hàng ở hội chợ thương mại thông qua kênh ngoại giao của Liên minh HTX. Không có chỗ đứng trên thị trường, các sản phẩm này không tồn tại được lâu.

Ông Lê Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Để nâng cao nhận thức cho các HTX về nghiệp vụ xúc tiến thương mại, đơn vị lần đầu tiên phối hợp với Sở Công thương tổ chức tập huấn về kỹ năng phát triển thị trường, tổ chức mạng lưới bán lẻ cho các HTX. Qua đó giúp các HTX hiểu tầm quan trọng của việc hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Ngoài điều kiện cần là chất lượng sản phẩm phải đi kèm với điều kiện đủ như mẫu mã, bao bì, mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc…

Theo ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, hàng năm, tỉnh tăng thêm 20% kinh phí hỗ trợ các đơn vị trong các hoạt động này. Đây chính là cơ hội để các HTX hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng vị thế hoạt động với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh khác. Nhìn lại 3 năm qua, năm 2017 cả tỉnh chưa có HTX nào có sản phẩm hoàn thiện, đến nay đã có 5 sản phẩm. Nỗ lực này của các HTX tuy chậm nhưng cũng cho thấy nhận thức về thị trường, xúc tiến thương mại đã bắt đầu có chuyển biến tích cực.

Trước kia chưa làm, chúng tôi nghĩ thủ tục nhiều chắc tốn kém và mất thời gian. Khi bắt tay thực hiện mới thấy HTX được các đơn vị tạo điều kiện rất nhiều. Sở Công thương hỗ trợ HTX thiết kế mẫu và việc hoàn tất mã vạch, mã QR kinh phí hơn 5 triệu đồng. Có đủ những cái đó rồi, vị thế sản phẩm của HTX được nâng lên, lòng tin khách hàng được củng cố…

Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/245643/hoan-thien-san-pham-thuong-mai-rong-duong-tieu-thu-nong-san.html