Hoàn thiện sửa đổi Luật Thủ đô là cơ hội để Hà Nội bứt phá
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc hoàn thiện thể chế, mà trọng tâm là hoàn thiện việc sửa đổi Luật Thủ đô là vấn đề cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, là cơ hội để Thủ đô Hà Nội bứt phá phát triển.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):
Phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), Thường trực UBPL và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND TP Hà Nội, quận, thị xã, TP thuộc TP và UBND phường. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho TP Hà Nội, giúp chính quyền TP chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đặt ra yêu cầu Thủ đô Hà Nội phải là “thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”. Để đạt được mục tiêu này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu rõ, việc hoàn thiện thể chế, mà trọng tâm là hoàn thiện việc sửa đổi Luật Thủ đô là vấn đề cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, là cơ hội để Thủ đô Hà Nội bứt phá phát triển.
Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng về phát triển Thủ đô Hà Nội; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong các quy định hiện hành; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Quy định khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn
Với nội dung phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền TP Hà Nội (Điều 9), Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội báo cáo, Thường trực UBPL và TP Hà Nội đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao HĐND TP quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc TP (khoản 4 Điều 9) để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ nhằm xây dựng, kiện toàn được bộ máy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền bổ sung.
Cùng góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cũng cần quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc TP để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ. Đồng thời, theo đại biểu việc có khung tối đa cơ quan chuyên môn của TP. Hà Nội sẽ tránh trường hợp tùy tiện trong thành cơ quan chuyên môn.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tránh lạm dụng trên thực tiễn thực thi, đề nghị cần có sự đánh giá tổng kết trước khi quy định. “Nên quy định thí điểm vấn đề này và có sự đánh giá, tổng kết một cách toàn diện trước khi tiến hành quy định trong luật và cần bổ sung quy định điều kiện thành lập mới cơ quan tổ chức cần bảo đảm biên chế và khả năng đáp ứng của ngân sách…”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất.