Hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu phòng, chống, thiên tai
Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường gây nhiều thiệt hại về người, tài sản tại các địa phương trên cả nước, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã và đang từng bước xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ quản lý nhà nước; triển khai thi hành pháp luật về khí tượng thủy văn nhằm đảm bảo đủ điều kiện cho các hoạt động khí tượng thủy văn phát triển; góp phần phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tiến tới xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Theo đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã xây dựng, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, ngành đã trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký ban hành Quyết định số 1083/QĐ-BTNMT ngày 23/5/2022 về kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Nội dung Chiến lược xác định rõ, đến năm 2030, phát triển ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy; kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành và phát triển được thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực. Đến năm 2045, phát triển ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam có trình độ, năng lực tương đương với các nước phát triển trên thế giới.
"Trước mắt, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã tổ chức họp Ban Chỉ đạo, đã xin ý kiến góp ý của 10 bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng Đề án hiện đại hóa ngành Khí tượng thủy văn đến năm 2025; báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ", Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái cho biết.
Bên cạnh đó, một loạt văn bản pháp luật cũng được Tổng cục Khí tượng thủy văn xây dựng và ban hành nhằm ứng phó với bối cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt. Theo đó, để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai trong đó có lũ quét và sạt lở đất đang ngày càng gia tăng, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã xây dựng Đề án “Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”. Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 433/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Kế hoạch. Trong năm 2022, ngành cũng đã thực hiện sửa đổi, xây dựng và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 12 Thông tư, tham gia đóng góp ý kiến đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành khác chủ trì xây dựng. Ngoài ra, ngành Khí tượng thủy văn đã hoàn thành tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thuộc Cổng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ...
Được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về khí tượng thủy văn tại tỉnh Hà Giang và chấp thuận Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật khí tượng thủy văn tại 11 tỉnh (Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Lâm Đồng), đơn vị đã hoàn thành công tác thanh kiểm tra các địa phương trên. Đồng thời, tiến hành lồng ghép kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và chấp hành các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn năm 2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Kon Tum.
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái đánh giá, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ quản lý nhà nước đã bảo đảm điều kiện cho các hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia. Hiện ngành đang hoàn thiện Đề án tăng cường dự báo, đánh giá tác động và các giải pháp phòng, chống thiên tai, nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023.