Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng
Ngày 21/3, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Tạp chí Thanh tra tổ chức Hội thảo khoa học 'Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng' (PCTN) phục vụ cho Đề tài độc lập cấp quốc gia 'Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam'.
Sử dụng cơ chế, thiết chế để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lạm dụng quyền lực để tham nhũng
Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để làm sáng tỏ các triết lý, tư tưởng, quan điểm về PCTN, kiểm soát quyền lực và kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; đánh giá thực trạng nghiên cứu lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam hiện nay. Hội thảo được tổ chức công khai, dân chủ, với các ý kiến đa chiều.
Theo TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Hiến pháp 2013 đã bổ sung quy định tại Điều 3: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".
Như vậy, lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước được ghi nhận chính thức trong một văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất ở nước ta. Quy định này là sự bổ sung và hoàn thiện nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam; là cơ sở cho việc tiếp tục tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm PCTN giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, để thể chế hóa trong các văn bản pháp luật phù hợp với bối cảnh hiện nay.
TS. Nguyễn Quốc Văn cho rằng, kiểm soát quyền lực nhằm PCTN, tiêu cực là việc sử dụng cơ chế, thiết chế, phương thức, biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn phải được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực.
Theo đó, phải hoàn thiện cơ chế để kiểm soát quyền lực trên tất cả các lĩnh vực, trước hết là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cao. Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN, tiêu cực phải phù hợp với đặc điểm thể chế chính trị của nước ta, tuân thủ đúng các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động của Đảng, Nhà nước; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để kiểm soát quyền lực; tiến hành kiểm soát bên trong và kiểm soát từ bên ngoài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức vụ, quyền hạn.
"Mục tiêu tổng quát là xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; đáp ứng toàn diện, kịp thời yêu cầu của công cuộc PCTN ở Việt Nam", ông Nguyễn Quốc Văn cho biết.
TS. Nguyễn Cảnh Lam (Ban Nội chính Trung ương) chỉ ra rằng, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định đầy đủ, toàn diện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đa chiều giữa các chủ thể trong bộ máy nhà nước: "Tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền".
Qua đó, Nghị quyết đề ra 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng là nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực và thực hiện "4 không" trong PCTN, tiêu cực: "Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực".
Cơ chế 'tiền kiểm' và 'hậu kiểm' văn bản quy phạm pháp luật trong PCTN
Đề cập đến cơ chế "tiền kiểm" và "hậu kiểm" văn bản quy phạm pháp luật để PCTN, tiêu cực, TS. Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, đây là việc hướng tới bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm.
Do đó, để bảo đảm việc ban hành và tồn tại của một văn bản quy phạm pháp luật tốt, pháp luật đã có những quy định chặt chẽ về "tiền kiểm" và "hậu kiểm" văn bản. Việc tuân thủ nghiêm, đúng và đầy đủ quy định về "tiền kiểm" và "hậu kiểm" văn bản quy phạm pháp luật sẽ góp phần quan trọng vào quá trình phát hiện dấu hiệu tiêu cực có thể được tranh thủ "lồng ghép", "cài cắm" vào văn bản, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, qua đó đóng góp quan trọng vào quá trình PCTN, tiêu cực.
Muốn vậy, việc nghiên cứu, phát hiện biểu hiện tham nhũng trong quá trình "tiền kiểm" và "hậu kiểm" văn bản quy phạm pháp luật cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, xuyên suốt quá trình hình thành và ra đời một văn bản quy phạm pháp luật, bởi hành vi này có thể được "ẩn giấu" kỹ lưỡng, kín đáo và có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ, thống nhất nhận thức khi tiếp cận phạm vi kiểm soát quyền lực nhằm PCTN phải được thực hiện trong trong cả hai khu vực công và tư; phải tiếp cận kiểm soát quyền lực theo hướng chủ thể kiểm soát luôn có thể là đối tượng bị kiểm soát; phải tiếp cận các cơ chế kiểm soát hiện có bao gồm cơ chế kiểm soát của Đảng, cơ chế kiểm soát của Nhà nước và cơ chế kiểm soát của xã hội; phải tiếp cận các phương thức kiểm soát bên trong - bên ngoài hệ thống; kiểm soát cứng - kiểm soát mềm; tiền kiểm - hậu kiểm; kiểm soát quyền trong ban hành chính sách và quyền trong thực thi chính sách; kiểm soát bằng công nghệ 4.0.
Đồng thời, nhiều đại biểu cũng thống nhất xây dựng một khái niệm mang tính từ khóa, đó là khái niệm "kiểm soát quyền lực" phù hợp với thực tiễn Việt Nam, theo đó, liệu nội hàm của khái niệm kiểm soát quyền lực theo nghĩa hẹp có thể hàm chứa trong đó các phương thức hiện có như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát, điều tra, giám sát...