Hoàn thuế, thông quan: Doanh nghiệp kêu vướng

Nhiều câu hỏi của doanh nghiệp xoay quanh vấn đề thuế giá trị gia tăng và những khó khăn, vướng mắc về thủ tục thuế, hải quan được nhiều doanh nghiệp quan tâm chất vấn tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính tổ chức ngày 10/12.

“Nóng” câu chuyện hoàn thuế

Trong khi năm 2023, vấn đề nóng nhất mà doanh nghiệp quan tâm là việc phát hành hóa đơn bán hàng từng lần đối với xăng dầu, thì năm 2024, câu chuyện thuế giá trị gia tăng lại được các doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất. Tại hội nghị, đối với nhóm câu hỏi về thuế giá trị gia tăng, câu hỏi liên quan tới cách tính thuế và hoàn thuế là đáng chú ý nhất.

Một doanh nghiệp FDI ở Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị này đang “kẹt” cả nghìn tỷ đồng hoàn thuế suốt hơn một năm nay mà vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết. Đại diện doanh nghiệp cho biết, họ đã gửi công văn hỏi các thủ tục hoàn thuế, tuy nhiên do công ty đang có hợp đồng gia công với doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh nên doanh nghiệp lo việc “một nơi đôi chốn” sẽ khiến cho sự đồng bộ trong công tác hoàn thuế không đạt được.

Trả lời về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết đã có công văn hướng dẫn, trả lời các công ty về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đã nộp thừa. Theo đó, số thu của cấp ngân sách nào hưởng thì sẽ do chính cấp ngân sách địa phương đó hoàn trả.

Đại diện Công ty cổ phần Môi trường Kỹ thuật Sơn đặt câu hỏi về miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm tái chế và thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hợp đồng ủy thác kinh doanh.

Với câu hỏi này, đại diện phía hải quan đã giải đáp về chính sách miễn thuế xuất khẩu theo Luật Thuế xuất nhập khẩu và Nghị định 134, đồng thời cho biết Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP để hướng dẫn cụ thể hơn.

Doanh nghiệp làm thủ tục hành chính thuế

Doanh nghiệp làm thủ tục hành chính thuế

Doanh nghiệp kêu vướng thủ tục hải quan

Với các vướng mắc trong lĩnh vực hải quan, ông Ngô Mạnh Hùng, đến từ Công ty Bông vải sợi Thái Bình, cho biết nhiều doanh nghiệp đang sản xuất bông sợi phụ thuộc vào nguồn bông rơi nhập khẩu. Tuy nhiên, vì chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về mặt hàng bông rơi này nên bị kẹt cảng, không thể thông quan. Kết quả là doanh nghiệp bị ảnh hưởng: không có nguyên liệu để sản xuất nên phải hoạt động cầm chừng; một số doanh nghiệp gom bông rơi kiểu nhặt nhạnh, vừa không đáp ứng được nhu cầu cần thiết về số lượng, vừa không đáp ứng được nhu cầu về chất lượng. Chưa kể, việc “kẹt” hàng nhập khẩu tại hải quan đã khiến cho doanh nghiệp này phải nộp khoản tiền lên đến cả tỷ đồng thuê kho bãi. Điều này khiến cho doanh nghiệp chịu “thiệt đơn thiệt kép”.

Đáng chú ý, theo phản ánh của doanh nghiệp, cũng mặt hàng bông rơi, trong khi doanh nghiệp ở Thái Bình không được thông quan thì một số doanh nghiệp khác ở các địa phương vẫn được thông quan bình thường. Điều này gây bức xúc cho doanh nghiệp, vì tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng.

Hiệp hội Bông sợi Việt Nam đã có công văn và khẳng định rằng bông rơi mặc dù có chứa tạp chất hữu cơ nhưng không gây hại cho môi trường. Bông rơi là nguyên liệu chính để sản xuất sợi OE, nếu không cho nhập khẩu thì ngành sợi OE không thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

“Các doanh nghiệp sợi OE tại Thái Bình đã kiến nghị nhiều lần, gửi cả đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, VCCI. Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính chủ động, tích cực hơn trong báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có hướng giải quyết việc nhập khẩu bông rơi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hùng đề xuất.

Chia sẻ trước vướng mắc doanh nghiệp nêu trên, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng đây là vướng mắc lớn. Trên thực tế, bông rơi chia làm 2 loại: bông rơi chải thô và bông rơi chải kỹ. Hiện, vướng mắc nằm ở bông rơi chải thô. Với mặt hàng này, mặc dù các doanh nghiệp khai báo là bông rơi chải thô nhưng khi đem đi phân tích, giám định thì tỷ lệ tạp chất rất cao, có trường hợp lên đến 40%, có ranh giới giữa phế liệu và không phải phế liệu. Về vấn đề này, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp.

“Chúng tôi rất chia sẻ với vướng mắc của doanh nghiệp, nhưng Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan là cơ quan thực hiện. Gần đây nhất, tháng 11/2024, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành cũng như kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý. Tới đây, Thủ tướng Chính phủ chắc chắn sẽ có chỉ đạo, sau đó chúng tôi sẽ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc được phép hay không được phép nhập khẩu bông rơi chải thô. Hiện nay, tất cả doanh nghiệp ở các địa phương nhập khẩu bông rơi chải thô đều vướng, chứ không riêng ở Thái Bình như doanh nghiệp nêu”, đại diện Tổng cục Hải quan giải đáp.

Theo VCCI, trong năm 2024, liên đoàn này đã cùng với Bộ Tài chính tập hợp giải quyết trên 450 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp về các vướng mắc mang tính cá biệt và vướng mắc phát sinh trong các văn bản luật, qua đó giúp các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Quy mô hỗ trợ của các giải pháp này là khoảng 191 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 95 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng.

Thái Hoàng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hoan-thue-thong-quan-doanh-nghiep-keu-vuong-158689.html