Hoãn xử vụ Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang vì vắng nhiều người

Tại phiên xử sơ thẩm lần thứ tư vụ Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang, có ba bị cáo, một số người bào chữa, cùng nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt.

Ngày 7-8, TAND tỉnh Hậu Giang đưa ra xét xử sơ thẩm lần thứ tư vụ án sai phạm tại Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang.

Trong lần xử này, ngoài chín bị cáo trong vụ án, TAND tỉnh Hậu Giang còn triệu tập 10 người bào chữa, sáu bị hại, 27 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 10 người làm chứng.

Tuy nhiên, tại phiên xét xử sáng 7-8, có ba bị cáo và một số người bào chữa, cùng nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Thời gian mở lại phiên xét xử sẽ được thông báo sau.

 Từ trái qua, các bị cáo Nguyễn Thiện Hồng, Trương Thị Thanh Loan và Phan Văn Tập tại phiên xử sơ thẩm vụ Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang hồi tháng 4-2021. Ảnh: CHÂU ANH

Từ trái qua, các bị cáo Nguyễn Thiện Hồng, Trương Thị Thanh Loan và Phan Văn Tập tại phiên xử sơ thẩm vụ Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang hồi tháng 4-2021. Ảnh: CHÂU ANH

Chín bị cáo trong vụ án này gồm: Lê Hữu Tâm (SN 1959, cựu chủ tịch HĐQT QTDND Hậu Giang); Trương Thị Thanh Loan (SN 1981, cựu Phó Giám đốc QTDND Hậu Giang); Quách Vũ Linh (SN 1989); Nguyễn Văn Thắng (SN 1950, cùng là cựu thành viên HĐQT QTDND Hậu Giang); Dương Cẩm Nguyên (SN 1986, cựu thành viên Ban tín dụng QTDND Hậu Giang); Trần Ngọc Diễm Tiên (SN 1986, cựu cán bộ tín dụng QTDND Hậu Giang); Đặng Châu Toàn (SN 1986, cựu kế toán trưởng QTDND Hậu Giang); Hoàng Thị Lệ (SN 1986, cựu thủ quỹ QTDND Hậu Giang) và Phan Văn Tập (SN 1976, cựu giám đốc Công ty TNHH TM Thiện Quỳnh Kiên Giang).

Trong đó, bị can Tâm bị VKSND tỉnh Hậu Giang truy tố hai tội danh, đó là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bị cáo Tập bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bảy bị cáo còn lại bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Vi phạm quy định về cho vay

Theo cáo trạng mới nhất, với vai trò Chủ tịch HĐQT, Trưởng Ban tín dụng QTDND Hậu Giang, bị can Tâm đã kết nạp nhiều người thân và nhân viên tại các Công ty do Tâm đại diện theo pháp luật để nhờ họ đứng tên vay vốn của QTDND giúp Tâm.

 Bị cáo Lê Hữu Tâm tại phiên xét xử phúc thẩm hồi tháng 6-2019. Ảnh: NHẪN NAM

Bị cáo Lê Hữu Tâm tại phiên xét xử phúc thẩm hồi tháng 6-2019. Ảnh: NHẪN NAM

Dù biết rõ những người này không đủ điều kiện để kết nạp và không thuộc trường hợp được cấp tín dụng thế nhưng, năm 2011, bị cáo Tâm đã chỉ đạo cho Ban điều hành QTDND Hậu Giang và các nhân viên của Quỹ thực hiện lập khống hồ sơ vay. Sau đó, trình cho Tâm ký 17 Tờ trình phê duyệt và 28 biên bản thẩm định cho vay vượt thẩm quyền phán quyết của Ban điều hành QTDND.

Trong đó, bị cáo Hồng đã ký để hợp thức hóa 17 hồ sơ thẩm định, ký giải ngân 24 hợp đồng tín dụng, ký duyệt giấy nhận nợ chi tổng số tiền hơn 47 tỉ đồng. Cạnh đó, bị cáo Hồng còn ký tất toán tiền vay của 20 hợp đồng vay vào năm 2010.

Các bị cáo Linh, Thắng, Tiên đã ký để hợp thức hóa nhiều hồ sơ thẩm định, biên bản sử dụng vốn vay... Riêng bị cáo Linh và Thắng còn vừa là người đứng tên vay tiền giúp Tâm, nhưng cũng vừa là người thẩm định hồ sơ vay với vai trò là Thành viên HĐQT.

Các bị cáo còn lại có nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ vay, ký xác nhận nợ duyệt vay... nhưng không thu tiền trả gốc và lãi hợp đồng vay năm 2010 mà ký chứng từ thu tất nợ hợp đồng vay năm 2010.

Tổng số tiền mà các bị cáo thực hiện hành vi vi phạm quy định về cho vay hơn 54,5 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Tâm đã trả trước gần 9,3 tỉ đồng và năm 2019, Tâm bán ba tài sản thế chấp với số tiền 4,4 tỉ đồng để khắc phục cho QTDND Hậu Giang. Hiện Quỹ còn bị thiệt hại tổng số tiền hơn 40,8 tỉ đồng.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngoài ra, với động cơ tư lợi cá nhân, bị cáo Tâm đã thống nhất với Bùi Chí Linh (đã chết năm 2018), trong việc huy động vốn trong dân với lãi suất cao, vay nóng... Từ đó, dẫn đến không có tiền chi trả cho các khách hàng và sử dụng vào mục đích cá nhân.

 Vụ án sai phạm tại Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang đã kéo dài hàng chục năm nay với nhiều lần tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại. Ảnh: CHÂU ANH

Vụ án sai phạm tại Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang đã kéo dài hàng chục năm nay với nhiều lần tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại. Ảnh: CHÂU ANH

Bị cáo Tâm còn đồng ý với đề xuất của Linh để sổ tiết kiệm của khách hàng bên ngoài sổ sách quản lý của QTDND Hậu Giang. Từ đó, Linh đã thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt 2,1 tỉ đồng của năm người dân gửi tiết kiệm tại Quỹ.

Mặt khác, dù biết QTDND Hậu Giang không có chức năng bảo lãnh và đang mất thanh khoản, thế nhưng bị cáo Tâm đã cùng bị cáo Nguyễn Thiện Hồng (đã chết năm 2022) thực hiện hành vi gian dối. Cụ thể, đã phát hành chứng thư bảo lãnh để ký kết thực hiện hợp đồng mua thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH De Heus và đã chiếm đoạt của Công ty số tiền hơn 18,4 tỉ đồng.

Đồng thời, trên cơ sở bản thảo chứng thư bảo lãnh do bị cáo Hồng phát hành, Linh tiếp tục phát hành chứng thư bảo lãnh giúp cho bị cáo Tập chiếm đoạt của Công ty TNHH De Heus số tiền gần 4,9 tỉ đồng.

CHÂU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoan-xu-vu-quy-tin-dung-nhan-dan-hau-giang-vi-vang-nhieu-nguoi-post804080.html