Hoàng Anh Gia Lai: Thặng dư vốn cổ phần có thể âm nếu phát hành cổ phiếu ESOP
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG - sàn HoSE) vừa bổ sung hai tờ trình cho Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội tổ chức ngày 28/4 tại TP. HCM.
Đầu tiên, Công ty bổ sung tờ trình bổ sung 1 thành viên hội đồng quản trị là bà Nguyễn Thị Huyền theo giấy đề nghị của ông Đoàn Nguyên Đức, cổ đông sở hữu 34,5% vốn điều lệ tại Hoàng Anh Gia Lai.
Được biết, bà Nguyễn Thị Huyền sinh năm 1974, trình độ chuyên môn cử nhân tiếng Anh. Trong đó, bà Huyền có nhiều năm làm việc tại các đơn vị thành viên của Hoàng Anh Gia Lai và hiện tại, từ tháng 7/2022 đến nay, bà Huyền đang là Kế toán trưởng của CTCP BAPI Hoàng Anh Gia Lai.
Thứ hai, Công ty bổ sung tờ trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), số lượng dự kiến phát hành là 20 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 2,16% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 7.500 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 50% trong năm đầu tiên và 50% trong năm 2, kết thúc năm 2, toàn bộ cổ phiếu được tự do chuyển nhượng.
Theo tìm hiểu, theo quy định của Việt Nam, mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, nếu doanh nghiệp phát trên mệnh giá, số tiền huy động giữa giá phát hành và mệnh giá sẽ là thặng dư cổ phần, ghi tăng vốn chủ sở hữu. Ngược lại, nếu phát hành dưới mệnh giá, sẽ ghi thặng dư cổ phần âm, giảm vốn chủ sở hữu của Công ty.
Như vậy, ước tính nếu phát hành thành công 20 triệu cổ phiếu ESOP giá 7.500 đồng/cổ phiếu, Công ty sẽ phải ghi nhận thặng dư vốn cổ phần âm 50 tỷ đồng và giảm vốn chủ sở hữu.
Được biết, tại thời điểm 31/12/2022, Hoàng Anh Gia Lai không có khoản mục thặng dư vốn cổ phần nhưng đang lỗ lũy kế 3.341 tỷ đồng, bằng 36% vốn điều lệ.
Nhà đầu tư từ chối mua 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.500 đồng/cổ phiếu
Ở một diễn khác, ngày 17/4/2023 là ngày kết thúc đợt chào bán riêng lẻ đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua ngày 17/1/2023. Tuy nhiên, Hoàng Anh Gia Lai đã không hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo quy định.
Công ty lý giải nguyên nhân không chào bán thành công do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không phù hợp với giá chào bán dự kiến, dẫn đến việc các nhà đầu tư được chào bán đã từ chối chào mua.
Hoàng Anh Gia Lai cho biết, mục đích ban đầu đợt huy động vốn để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu. Tuy nhiên, không hoàn thành đợt chào bán, vì vậy Công ty thông qua phương án bù đắp thiếu hụt vốn.
Đầu tiên, Công ty sẽ giữ nguyên quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời, sử dụng dòng tiền từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, vay vốn ngân hàng và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai để đảm bảo thực hiện kế hoạch theo phương án đầu tư sản xuất.
Thứ hai, Công ty sử dụng nguồn tiền từ việc thu nợ nhóm CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng anh Gia Lai và từ hoạt động thanh lý một số tài sản không sinh lời để thanh toán nợ gốc trái phiếu trong thời gian quy định.
Được biết, trong năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai thông qua kế hoạch đăng ký chào bán 161.904.760 cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động gần 1.700 tỷ đồng, cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và dự kiến triển khai trong năm 2022.
Số tiền huy động, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến dùng gần 800 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai; 400 tỷ đồng bổ sung vốn thông qua hình thức cho vay đối với công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang; và 500 tỷ đồng trả nợ gốc đối với khoản trái phiếu do Công ty phát hành ngày 30/12/2016 với mã HAGLBOND16.26.
Năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai đặt kế hoạch đi ngang và không mở rộng
Trong năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai đặt kế hoạch doanh thu 5.120 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 1.130 tỷ đồng, tăng 0,4% so với thực hiện trong năm 2022.
Công ty cho biết, kế hoạch kinh doanh dựa trên cơ sở thực hiện chủ trương tập trung duy trì quy mô sản xuất kinh doanh không thấp hơn năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước, thế giới diễn biến phức tạp và nhiều khó khăn.
Được biết, trong năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 5.110,78 tỷ đồng, tăng 143,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.124,67 tỷ đồng, tăng 781,3% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 24,2% về còn 23%.
Đối với kế hoạch đầu tư, Công ty dự kiến duy trì quy mô 7.000 ha chuối; duy trì quy mô 10 cụm chuồng trại với công suất nuôi 600.000 con heo thịt mỗi năm.
Về định hướng kinh doanh, tập trung mọi nguồn lực cho hai ngành nghề kinh doanh cốt lõi là chăn nuôi và trồng trọt; thực hiện các thủ tục liên quan tới việc nhận chuyển nhượng CTCP Gia súc Lơ Pang và đầu tư góp vốn thành lập CTCP BAPO Hoàng Anh Gia Lai; hoàn thành cơ bản việc thoái vốn đầu tư vào nhóm CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã HNG – sàn HOSE), giảm mạnh số dư nợ ngân hàng và giảm chi phí lãi vay; triển khai thực hiện việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã được thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2022.
Về cổ tức, năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục không trả cổ tức cho cổ đông.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/4, cổ phiếu HAG tăng 90 đồng lên 7.690 đồng/cổ phiếu.