Hoàng đế Trung Hoa nổi danh đệ nhất minh quân, không ngờ kết cục yểu mệnh, cơ nghiệp bị cướp
Ít người biết rằng nền móng vững chắc mà Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn thừa hưởng để làm nên một trong những triều đại huy hoàng nhất Trung Hoa thực tế là nhờ vào hoàng đế triều đại trước, người ngày nay ít khi được nhắc đến.
Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh là người đặt nền móng cho giai đoạn Trung Hoa thống nhất trở lại. Ảnh minh họa.
Kết quả khó chấp nhận nhất sau khi làm việc chăm chỉ không phải là thất bại mà là thành quả bị người khác cướp mất. Đó là nhận định của trang mạng Trung Quốc Sohu khi nhắc đến Sài Vinh, được coi là đệ nhất minh quân thời Ngũ đại Thập quốc nhờ tài thao lược trị quốc.
Được hoàng đế nhận làm con nuôi và hành trình lên ngôi
Hậu Chu Thế Tông - hoàng đế thứ hai nhà Hậu Chu, triều đại cuối cùng trong Ngũ đại Thập quốc ở Trung Hoa, tên thật là Sài Vinh. Ông sinh năm 921 trong một gia đình thương nhân, nhưng cuộc đời ông lại rẽ hướng khi được Quách Uy, vị tướng lừng danh và sau này là hoàng đế khai quốc nhà Hậu Chu, nhận làm con nuôi.
Sài Vinh là con trai Sài Thủ Lễ, anh vợ Quách Uy, gọi Quách Uy là dượng. Vì Quách Uy không có con trai, lại thấy Sài Vinh tố chất hơn người, nên nhận làm con và cho đổi họ thành Quách Vinh.
Sài Vinh theo chân cha nuôi vào quân đội, từ bỏ cuộc sống bình thường để dấn thân vào con đường binh nghiệp. Tài năng quân sự của ông nhanh chóng được bộc lộ. Năm 25 tuổi, Sài Vinh đã trở thành một tướng quân, dẫn đầu các chiến dịch quan trọng.
Đây là giai đoạn sau khi nhà Hậu Tấn sụp đổ vì công khai chống người Khiết Đan ở phương bắc.
Sự sụp đổ của nhà Hậu Tấn và cuộc khủng hoảng tranh giành kế vị của người Khiết Đan đã tạo ra một khoảng trống quyền lực. Một tướng nhà Hậu Tấn là Lưu Tri Viễn, người Hán, đã nhân cơ hội này soán ngôi, lập ra nhà Hậu Hán. Lần đầu tiên sau hàng trăm năm, người Hán mới thực sự trở lại nắm quyền lực ở Trung Nguyên.
Lưu Tri Viễn chỉ làm vua được 10 tháng, mất đầu năm 948 nhưng không rõ bị bệnh gì. Ông để lại ngai vàng cho con trai còn nhỏ tuổi là Lưu Thừa Hựu, tức Hán Ẩn Đế. Khi một số tướng lĩnh địa phương làm phản, Thừa Hựu sai Quách Uy đi dẹp. Là tướng có tài, Quách Uy dẹp được quân làm phản.
Năm 950, triều Hậu Hán rơi vào hỗn loạn vì các cuộc thanh trừng nội bộ. Hoàng đế Lưu Thừa Hựu bại trận và bị loạn binh giết chết. Quách Uy nhân cơ hội này đã dẫn quân tấn công kinh đô Khai Phong, xưng đế và lập ra triều Hậu Chu.
Sau khi cha nuôi lên ngôi hoàng đế vào năm 951, Sài Vinh được phong làm tiết độ sứ, cai quản một vùng. Năm 952, Sài Vinh tiếp tục được phong Tấn Vương và đến năm 954 thì được cha nuôi tin tưởng giao toàn quyền thống lĩnh quân đội. Không lâu sau, Quách Uy bệnh mất, Sài Vinh lên ngôi hoàng đế, tức Hậu Chu Thế Tông.
Đây là thời điểm đầy khó khăn khi Trung Hoa bị đe dọa từ nhiều phía, đặc biệt là người Khiết Đan. Tuy nhiên, với quyết tâm và tài năng lãnh đạo, Sài Vinh nhanh chóng khẳng định bản thân là một nhà cầm quân và trị quốc xuất sắc.
"Ba mươi năm đại kế"
Sài Vinh đặt mục tiêu thống nhất Trung Hoa sau 30 năm. Ảnh minh họa.
Theo trang mạng Trung Quốc Sohu, ngay khi lên ngôi, Sài Vinh đã vạch ra một kế hoạch lớn, gọi là "Ba mươi năm đại kế".
Ông dự tính cần 10 năm để củng cố sức mạnh quốc gia, 10 năm để cải thiện đời sống người dân và 10 năm để thống nhất Trung Hoa, chấm dứt tình trạng phân ly kể từ thời nhà Đường.
Sohu nhận định, điều này cho thấy tầm nhìn xa của Sài Vinh trong việc xây dựng một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng. Đáng chú ý, ông không chỉ đặt ra khẩu hiệu mà còn bắt tay vào hành động ngay lập tức.
Trong nước, ông tiến hành cải cách toàn diện quân đội. Khi mới lên ngôi, ông phải đối mặt với tình trạng quân đội yếu kém và thối nát. Quân sĩ dù đông nhưng thiếu tổ chức và khả năng chiến đấu. Ông quyết định giảm bớt quân số, chỉ giữ lại những người có đủ sức chiến đấu, đồng thời tuyển thêm những chiến binh từ khắp nơi trong cả nước. Ông khuyến khích và ban thưởng hậu hĩnh cho những người có tài, tạo động lực cho quân đội của mình.
Không chỉ dừng lại ở quân sự, Sài Vinh còn chú trọng đến kinh tế. Ông hiểu rằng một quốc gia chỉ có thể hùng mạnh khi có nền kinh tế phát triển vững chắc. Ông đã ra lệnh mở rộng và cải thiện hệ thống giao thông, bắt đầu từ thủ đô Khai Phong. Đường phố trong thành phố bị các công trình trái phép chiếm dụng, gây khó khăn cho giao thông. Ông ra lệnh phá bỏ những công trình này và mở rộng đường sá, tạo điều kiện cho việc di chuyển thuận lợi hơn.
Ngoài ra, ông còn quan tâm đến vấn đề tiền tệ. Khi đó, triều Hậu Chu gặp khó khăn trong việc đúc tiền do thiếu nguyên liệu. Người dân thường xuyên sử dụng đồng để làm các vật dụng trong nhà hoặc đúc tượng Phật, gây ra tình trạng thiếu hụt tiền trong lưu thông.
Để khắc phục, Sài Vinh đã ban hành chính sách kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đồng và khuyến khích người dân đưa đồng về cho triều đình đúc tiền. Đây là một biện pháp kinh tế mạnh mẽ giúp tăng cường nguồn lực tài chính của quốc gia.
Các cuộc chiến lớn
Nhà Hậu Chu (màu vàng) là triều đại thứ 5 và cũng là triều đại cuối cùng trong thời kỳ Ngũ đại Thập quốc ở Trung Hoa.
Về đối ngoại, Sài Vinh nổi tiếng với những chiến thắng quân sự quan trọng. Một trong những chiến thắng tiêu biểu của ông là trận Cao Bình vào năm 954, khi tàn dư nhà Hậu Hán liên minh với Khiết Đan tấn công Hậu Chu.
Sài Vinh khi đó tự mình dẫn quân ra trận. Mặc dù quân tàn dư nhà Hậu Hán được sự hỗ trợ từ Khiết Đan, nhưng nhờ tài thao lược và lòng dũng cảm, Sài Vinh đã đánh bại kẻ thù. Chiến thắng này không chỉ bảo vệ được lãnh thổ mà còn củng cố uy tín của Sài Vinh trong mắt người dân và binh sĩ.
Sài Vinh còn tiếp tục các chiến dịch mở rộng lãnh thổ về phía nam. Ông ba lần tiến quân đánh Nam Đường (vương quốc lớn nhất thuộc Thập quốc), chiếm được nhiều vùng đất quan trọng ở khu vực Giang Bắc và Hoài Nam. Đồng thời, ông cũng tiến hành các chiến dịch chinh phục Tây Thục, chỉ mất bốn tháng để kiểm soát nhiều khu vực chiến lược.
Cuối cùng, Sài Vinh quyết định thực hiện chiến dịch lớn nhất trong cuộc đời. Đó là tìm cách thu hồi Yên Vân Thập lục châu do người Khiết Đan kiểm soát.
Việc tái chiếm vùng đất này sẽ mang lại nhiều lợi ích về quân sự và kinh tế. Chiến dịch được tiến hành vào năm 959 và ban đầu đạt được những thành công lớn. Chỉ trong vòng 40 ngày, quân Hậu Chu đã chiếm lại ba châu và 17 huyện từ tay người Khiết Đan.
Dưới sự lãnh đạo của Sài Vinh, lần đầu tiên sau hàng chục năm, người Trung Nguyên có thể chiến đấu ngang ngửa với các thế lực hùng mạnh ở phương bắc.
Đột ngột qua đời khi sự nghiệp dang dở
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn từng là tướng nhà Hậu Chu, sau khi Sài Vinh qua đời thì tạo ra binh biến để cướp ngôi. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, khi chiến thắng đang cận kề, Sài Vinh đột ngột bị bệnh nặng. Ông buộc phải ra lệnh cho quân đội rút lui và trở về kinh đô Khai Phong.
Chỉ vài tháng sau, vào tháng 7 năm 959, Sài Vinh qua đời ở tuổi 39. Cái chết của ông là một mất mát lớn cho triều Hậu Chu, khi ông đang ở đỉnh cao sự nghiệp và Trung Hoa đang trên đà thống nhất.
Con nhỏ mới 7 tuổi của Sài Vinh là Sài Tông Huấn lên nối ngôi, tức Hậu Chu Cung Đế. Vua mới còn nhỏ tuổi nên bị tướng chỉ huy cấm binh nhà Hậu Chu là Triệu Khuông Dẫn soán ngôi. Năm 960, Triệu Khuông Dẫn đứng sau sự kiện nổi tiếng trong lịch sử là "Binh biến Trần Kiều", soán ngôi nhà Hậu Chu, lập ra nhà Tống. Thời kỳ Ngũ đại Thập quốc đến đây gần như đã kết thúc.
Triệu Khuông Dẫn tiếp tục các chiến dịch chinh phạt ở miền nam, sau này cơ bản thống nhất Trung Hoa, ngoại trừ không giành lại được vùng Yên Vân Thập lục châu.
Nhà Tống mặc dù là một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Hoa, nhưng lại rất yếu kém khi chống ngoại xâm, khác với giai đoạn ngắn ngủi mà Sài Vinh làm hoàng đế Hậu Chu.
Mặc dù chỉ trị vì trong 6 năm, nhưng Sài Vinh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Trung Hoa. Ông không chỉ là một nhà lãnh đạo quân sự tài ba mà còn là một nhà cải cách xuất sắc. Các cải cách về quân sự, kinh tế, và chính trị của ông đã đặt nền móng cho sự thống nhất của Trung Hoa dưới triều đại nhà Tống sau này. Nhiều sử gia coi ông là một trong những vị vua tài giỏi và có tầm nhìn xa nhất trong thời kỳ Ngũ đại Thập quốc, Sohu cho biết.