Hoàng hạc bay, bay mãi...
"Biệt ly nào không buồn phiền...". Vẫn biết cái ngày "hoàng hạc bay, bay mãi mãi..." sẽ đến, nhưng khi nghe tin Vũ Đức Sao Biển ra đi, bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương không tránh khỏi tiếc thương, bàng hoàng. Từ bây giờ, người ta sẽ không còn gặp tác giả của Thu hát cho người nữa, nhưng tôi biết, những Điệu buồn Phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang, Đau xót lý chim quyên, Trở lại Bạc Liêu... sẽ đón anh trở lại với đời. Người ta cũng sẽ nhớ đến anh mỗi khi đọc lại Đồ Bì, giở lại từng trang Kim Dung trong đời tôi, nghe vở Dạ cổ Hoài Lang qua phục dựng. Còn tôi, nhớ đến anh như một người anh chân chất của xứ Quảng, một đồng hương đáng mến, một đồng nghiệp đáng kính.
Duyên nợ đưa tôi đến với anh ban đầu là gián tiếp, qua những bài "luận kiếm" Kim Dung của anh. Rồi những ngày đầu Báo Công an Quảng Nam- Đà Nẵng mở Văn phòng đại diện tại TPHCM, tôi thường lĩnh trách nhiệm đặt bài, mang báo biếu và nhuận bút đến gặp anh ở trụ sở Báo Thanh Niên, nơi anh đang phụ trách tờ bán nguyệt san. Đôi lúc, tình cờ hầu chuyện Kim Dung, tôi không kìm được, vỗ đét vào đùi. Anh nhỏ nhẹ "mình đi đâu đó nhé, khỏi làm phiền người khác". Cái chất nho nhã, ý nhị của một nhà giáo ở anh vẫn chưa phai. Như anh nói, "không muốn làm phiền người khác".
Kể cả những lúc về thăm quê, anh đích thân đến, rồi gọi tôi ra quán cà-phê Da Vàng ở góc đường Trần Bình Trọng- Đà Nẵng cạnh cơ quan tôi trò chuyện, như anh nói "để khi cần chú có thể chạy ù về cơ quan". Vậy nên, khi còn khỏe, mỗi năm vài lần về thăm quê hoặc có công chuyện, lần nào anh cũng gọi tôi ra quán Da Vàng. Lại cà-phê, không gì khác. Tôi định gọi thêm vài anh em quen biết đến, anh can "anh ở nơi đông đúc, về tìm nơi tĩnh lặng, anh em mình trò chuyện là đủ rồi". Câu chuyện giữa hai anh em ngoài hỏi thăm tình hình anh em văn nghệ sĩ quê hương, cũng chỉ quẩn quanh mấy món quà quê mà anh nói là "rất nhớ, rất thèm", "vặt vãnh mà quan trọng" và nhớ tên như mấy củ trút cô hai, hoàng tinh, mấy cọng rau săng...
Vũ Đức Sao Biển là vậy, nhẹ nhàng những sâu lắng, trong nhạc phẩm lẫn trong đời thực. Hàng trăm phiếm luận với bút danh trứ danh Đồ Bì, Đinh Ba hay Mạc Đại cũng hiếm khi tìm ra những lời đao to búa lớn. Vũ Đức Sao Biển luôn vậy, rất điềm đạm ngay cả khi anh bị làm phiền. Như một lần mang nhuận bút đến tòa soạn anh làm, mấy đồng nghiệp trẻ của anh "táy máy" rồi tỏ ý nó quá khiêm tốn so với thương hiệu của anh, anh vẫn nhỏ nhẹ với tôi "kệ chúng nó, anh viết cho báo em là vì cái tình, chúng không biết hoặc chưa biết điều này đâu".
Là đồng hương, tôi được anh Biển coi như đứa em trong nghề, trong nhà. Những văn nghệ sĩ Quảng Nam, Đà Nẵng khác cũng vậy. Là đồng hương, chúng tôi "có quyền" đặt bài anh lúc nào cũng được, bận mấy anh cũng hoàn thành, và chuyển bài rất sớm. Anh bảo: "Các em cứ "lệnh" là anh viết, trách nhiệm với quê hương mà". Cũng bởi "trách nhiệm với quê hương", những đứa em từ miền Trung le te vào Nam học nghề, làm nghề, anh đều giúp, không bao giờ lên giọng đàn anh, kể cả khi họ cam tâm tự nguyện tìm đến anh "thỉnh giáo".
Cái tình quê hương ở Vũ Đức Sao Biển đến những ngày cuối đời cũng không dứt. Anh em đồng nghiệp ở Quảng Nam bảo, nhân chuyến về Duy Xuyên, anh đã viết Tiếng sông Thu với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, da diết. Kế hoạch là ngày 12-5 tới đây, những anh em có sáng tác về Duy Xuyên sẽ lại trở về dự buổi ra mắt tập nhạc và chương trình karaoke Duy Xuyên yêu thương. Vậy mà anh không còn kịp nghe Tiếng sông Thu nữa rồi.
Cũng từ sông Thu, tôi lại liên tưởng đến kỷ niệm không đáng xảy ra giữa tôi và anh. Đó là một đợt mưa lũ tơi bời cả miền Trung lẫn miền Nam, anh có mấy đợt mang tiền hàng về trực tiếp tặng người dân quê hương. Gặp anh và biết chuyện, tôi viết bài "Sông ơi", trong đó nhắc nhiều đến anh, sông Thu Bồn và Vu Gia. Vài tháng sau, anh về gọi tôi ra quán Da Vàng. Anh bảo "Bài có tình, nhưng có câu này anh hơi băn khoăn, chú viết "Anh Biển ơi, sao những dòng sông anh từng qua, từng ngợi ca cứ chịu cảnh đau thương như thế...". Lẽ nào chú nói anh mang tai họa đến cho bà con quê mình hay sao?". Thấy tôi điếng người, nhưng không nói nên lời, anh cười: "Nhắc chú nhớ, anh không sao".
Bây giờ và sau này, tôi vẫn và sẽ nhớ vóc dáng thư thả của anh Biển lúc ấy, nhẹ nhàng "không sao đâu". Bây giờ dù tin đến như "điệu buồn phương Nam", nhưng tôi mong Vũ Đức Sao Biển lúc ra đi vẫn thế, thoảng nhẹ như cánh hoàng hạc bay...
Thế Sinh
>> Nhớ anh Vũ Đức Sao Biển
>> Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển - tác giả Thu hát cho người - vừa qua đời
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_224455_hoang-hac-bay-bay-mai.aspx