Hoàng hậu độc nhất vô nhị trong lịch sử Trung Quốc bởi ngoại hình xấu xí, tính cách độc ác, hoang dâm
Ở một bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung, Hoàng đế thứ 2 triều đại Tây Tấn, đời chắt của Tư Mã Ý. Khác với tuyệt đại đa số các vị Vua Trung Quốc, Tư Mã Trung là người thiểu năng trí tuệ, đần độn. Và lịch sử thật… khéo ghép đôi, khi song hành cùng vị Vua xuẩn ngốc này là một Hoàng hậu xấu từ trong ra ngoài.
Phàm đã là vợ hay thê thiếp của vua thì nếu không đẹp nghiêng nước nghiêng thành thì ắt cũng phải có nhan sắc. Nhưng Hoàng hậu của Tấn huệ Đế, Giả Nam Phong thì lại là ngoại lệ duy nhất trong lịch sử.
Con đường lên ngôi Hoàng hậu của người phụ nữ xấu… toàn diện
Giả Nam Phong theo miêu tả là người phụ nữ có dung mạo xấu xí, mắt xếch, môi thâm, mặt còn hơi rỗ. Nhan sắc đã vậy, Giả Nam Phong lại “sở hữu” nước da đen đúa và dáng người lùn xủn. Theo những ghi chép (chưa được thống nhất) từ sử liệu thì Giả Nam Phong chỉ cao chừng 1m42.
Vậy mà, người phụ nữ vừa đen, vừa xấu vừa lùn ấy không chỉ lên ngôi Hoàng hậu mà còn là 1 trong số những Hoàng hậu giàu quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc, không thua kém Tuyên Thái hậu (nhà Tần thời Chiến Quốc), Lã hoàng hậu (vợ Hán Cao Tổ Lưu Bang), Tiêu Xước triều Liêu, Võ Tắc Thiên (thời Đường) và Từ Hi thái hậu nhà Thanh.
Giả Nam Phong (257-300) là con gái cả của Giả Sung, người có công lớn giúp cha con Tư Mã Chiêu – Tư Mã Viêm lật đổ nhà Tào Ngụy, lập lên triều đại Tây Tấn. Giả Sung là công thần khai quốc nhà Tây Tấn, nhà nước Trung Hoa thống nhất đầu tiên sau nội chiến thời Tam Quốc. Giả Sung không có con trai, chỉ sinh được 2 con gái là Giả Nam Phong và Giả Ngọ.
Dù Tư Mã Trung có trí tuệ kém phát triển nhưng Tấn Vũ Đế vẫn lập người con trai lớn này làm thái tử. Năm 271, Vũ Đế tính chuyện kén con dâu. Về cơ bản việc chọn ai làm thái tử phi là một cuộc hôn nhân chính trị. Ban đầu, Vũ Đế định chọn con gái đại thần Vệ Quán cho Trung, nhưng sau đó nghe hoàng hậu Dương Diễm khuyên nên chuyển hướng sang con gái Giả Sung.
Lúc đó thái tử Trung lên 13 tuổi, Vũ Đế sai người đến hỏi con gái thứ hai của Giả Sung là Giả Ngọ. Nhưng Giả Ngọ còn quá bé, chưa đầy 12, không mặc vừa áo cưới. Vì vậy Vũ Đế đã chọn… chị thay em. Từ đó Giả Nam Phong, 15 tuổi chính thức trở thành thái tử phi.
Tấn Vũ Đế sớm biết Trung không được như người thường nên cũng tỏ ra lo ngại chuyện kế vị. Một ngày nọ, ông quyết định làm phép thử đối với con trai mình. Theo đó, Vũ đế giao cho Trung phê thử một tập tấu sớ của các quan.
Là người đầu gối tay ấp với Trung, Giả Nam Phong hơn ai hết hiểu rõ cái sự xuẩn ngốc của chồng. Phen này mà Trung không qua được bài test của Vũ đế thì cái ngôi Hoàng hậu tương lai của Nam Phong sẽ tan thành mây khói.
Để Trung tự phê tấu sớ thì khác nào hủy đi giấc mộng đẹp của bản thân nên Nam Phong đã sai người khác làm hộ chồng. Cái giỏi Nam Phong là ở chỗ, nàng hiểu được Tấn Vũ Đế cũng biết Thái Tử Trung không giỏi chữ nên ngay từ đầu chủ trương cho thủ hạ khéo léo dùng lối văn chân phương, ít sâu sắc để diễn đạt.
Khi đã có bản mẫu rồi, Tư Mã Trung cứ thế mà chép lại và mang nộp cho vua cha. Tấn Vũ đế xem qua bản phê tấu sớ cho rằng Trung cũng ít nhiều có hiểu biết chứ không đến nỗi ngu si, vô dụng nên không tính đến việc thay thái tử nữa.
Có điều,Giả phi không những xấu người mà còn xấu nết. Có lần vì không vừa lòng nàng ta giết luôn người hầu trong cung. Một cung nữ có thai với thái tử Trung, Giả phi phát hiện được, bèn lấy ngọn kích nhỏ phóng thẳng vào bụng làm người này bị thương và sẩy thai. Tấn Vũ đế thấy Giả phi vừa xấu xí mà tính tình lại hung hãn, rất không vừa lòng nhưng nể cha Giả Sung là khai quốc công thần nên không phế.
Năm 290, Tấn Vũ Đế mất, Tư Mã Trung lên nối ngôi, tức là Tấn Huệ Đế. Giả Nam Trung, từ Thái Tử phi, theo đó cũng chính thức trở thành Hoàng hậu nhà Tây Tấn. Huệ Đế lúc đó đã 32 tuổi nhưng vẫn ngờ nghệch, ngây ngô, là điều kiện quá thuận lợi cho một Giả Nam Phong tham vọng mưu đoạt quyền hành.
Giết trọng thần, hại thái tử, lũng đoạn triều chính
Năm 292, Giả hậu cùng Đông An công Tư Mã Do và Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng làm binh biến mư hại Dương Tuấn – ông ngoại của Huệ đế - giữ chức thái phó nắm quyền phụ chính. Do và Lượng bắt giết cả nhà Dương Tuấn. Vợ Dương Tuấn, mẹ của Dương thái hậu Bàng thị – bà ngoại của Huệ Đế - cũng bị hành hình. Không lâu sau đó chính Dương thái hậu cũng bị Giả hậu bày mưu kết tội, bỏ đói đến chết ở thành Kim Dung.
Lượng và Do cầm quyền trong triều, nhưng hai người sinh mâu thuẫn. Lượng sai người gièm pha Do với Giả hậu, Giả hậu cách chức Do. Lượng tiến cử Sở vương Tư Mã Vĩ cùng lão thần Vệ Quán lên thay. Sau một thời gian, chính Vĩ lại lấn quyền Lượng. Lượng bàn mưu với Vệ Quán trừ Vĩ, nhưng việc bại lộ. Vĩ vu rằng Quán và Lượng mưu phế Giả hậu. Giả hậu tức giận lệnh Vĩ bắt giết cả nhà Vệ Quán và Tư Mã Lượng. Sau Giả hậu biết sự thật, lại thấy Vĩ chuyên quyền nên sai tướng phục binh bắt giết Vĩ tại triều.
Giả hậu sinh được 4 người con nhưng đều là gái. Trong khi đó, thái tử Tư Mã Duật - con trai của Huệ đế với Tạ phi (Tạ Cửu) càng lớn càng bộc lộ tư chất và tài trí của bậc quân vương tương lai. Điều này khiến Giả hậu lo lắng không yên, nên ủ mưu hại thái tử Duật.
Tháng 12/299, Giả hậu sai người dụ thái tử uống rượu say rồi lừa viết thư phản nghịch. Thái tử Duật vì quá say không biết gì nên cứ thế chép lại nội dung do Giả hậu soạn sẵn. Giả hậu mang thư cho Huệ Đế xem để có cớ bỏ thái tử. Huệ Đế nghe theo, phế Tư Mã Duật làm thứ dân, giam lỏng ở thành Kim Dung, bất chấp những lời can ngăn của cận thần. Mẹ thái tử - Tạ phi cũng bị tống giam và tra tấn tới chết.
Các đại thần thấy Giả Phi chuyên quyền lạm sát, đã nhờ cậy Triệu vương Tư Mã Luân, chú của Huệ Đế, ra mặt. Luân sau đó triển mưu, phao tin rằng triều thần muốn phục ngôi thái tử cho Duệ và phế Giả hậu. Giả hậu sợ hãi, bèn sai người hạ sát thái tử Duật. Tư Mã Luân thấy Giả hậu giết thái tử hiểu rằng thời cơ đã chín muồi bèn khởi binh.
Tháng 4 /300, Luân hợp sức với Tề vương Tư Mã Quýnh – cũng là chú Huệ Đế, mang quân vào cung bắt sống Giả hậu và giết hết các phe cánh của bà. Giả hậu bị phế làm thứ dân và bị giam ở thành Kim Dung. Ngày 9/4 năm đó, bà bị Tư Mã Luân sai người mang rượu độc đến ép tự vẫn, chết ở tuổi 44. Loạn bát vương vẫn tiếp diễn nhiều năm sau dẫn tới sự suy sụp và diệt vong của nhà Tây Tấn.
Không những vẻ ngoài xấu xí, bụng dạ hiểm độc, giết người không ghê tay mà Giả Nam Phong còn “nổi tiếng” trong lịch sử Trung Quốc vì sự hoang dâm của mình. Lợi dụng chồng mình Tấn Huệ Đế ngây dại xuẩn ngốc, Giả Hậu không chỉ tư thông với Quan thái y Trình Cứ mà còn lập hẳn một “biệt đội” chuyên bắt nam thanh niên ngoài kinh thành vào cung để hành lạc. Thống kê cho thấy, trong 16 năm làm Hoàng hậu, Giả Nam Phong đã “phá đời trai” không dưới 2000 mỹ nam. Đáng nói, hầu hết những người con trai bị Giả Hậu bắt vào cung mây mưa đến lúc chán đều bị giết bỏ để giữ bí mật.