Thay vì có nhan sắc kiều diễm, thân hình quyến rũ, một hoàng hậu Trung Quốc được người đời nhớ đến với dung mạo cực kỳ xấu xí. Dù vậy, bà hoàng này vẫn gây ra nhiều "sóng gió" cho vương triều nhà Tây Tấn. Người này chính là Giả Nam Phong.
Theo sử sách, Giả Nam Phong là con gái Giả Sung - công thần khai quốc của nhà Tây Tấn. Giả Sung còn có một người con gái khác là Giả Ngọ. Dù là 2 chị em ruột nhưng Giả Nam Phong và Giả Ngọ có nhan sắc hoàn toàn trái ngược. Trong khi người em Giả Ngọ xinh đẹp từ bé thì Giả Nam Phong có nhan sắc cực xấu xí. Theo một số ghi chép, Giả Nam Phong có răng hô, chân to, da đen sì và dáng người thô kệch. Thậm chí, bà còn bị gù lưng.
Với xuất thân danh gia vọng tộc, Giả Ngọ được Tấn Vũ Đế chọn làm thái tử phi cho con trai Tư Mã Trung vào năm 271. Tuy nhiên, lúc này, Giả Ngọ mới 11 -12 tuổi không mặc vừa trang phục cô dâu do hoàng đế ban cho.
Vì vậy, Giả Sung khéo léo nói với nhà vua về việc đổi sang chọn Giả Nam Phong làm thái tử phi vì người con này mặc trang phục vừa vặn hơn. Sau một thời gian suy nghĩ, nhà vua chấp nhận đổi người em sang người chị.
Theo đó, Giả Nam Phong xấu xí trở thành thái tử phi. Về sau, Tư Mã Trung lên ngôi hoàng đế và Giả Nam Phong trở thành hoàng hậu. Bà hoàng này sinh cho chồng 4 con gái.
Mặc dù là hoàng hậu nhưng Giả Nam Phong là người phụ nữ hoang dâm và cả gan đưa nam sủng vào trong hậu cung. Trong khi bản thân có nhan sắc xấu tới mức "ma chê quỷ hờn" thì bà hoàng này chọn nam sủng là những thanh niên khôi ngô tuấn tú và khỏe mạnh.
Những nam nhân này được bí mật đưa vào cung để Giả Nam Phong hoan lạc. Sau mỗi cuộc tình một đêm, bà hoàng này cho giết toàn bộ để tránh bị người ngoài phát hiện.
Về sau, Giả Nam Phong còn cả gan gài bẫy thái tử Tư Mã Duật - con trai của Tư Mã Trung với một phi tần khác. Bà cũng lên kế hoạch phế truất thái tử Tư Mã Duật thành thứ dân bằng cách lợi dụng lúc người con trai này say rượu viết một bức thư có nội dung phản nghịch.
Không muốn Tư Mã Duật có cơ hội xoay chuyển tình thế, Giả Nam Phong sai người giết chết vị thái tử này. Chính điều này khiến Triệu Vương Tư Mã Luân và nhiều quần thần tức giận. Họ lấy lý do hoàng hậu giết thái tử nên khởi binh tấn công vào trong cung và bắt giữ Giả Nam Phong vào năm 300.
Cuối cùng, hoàng hậu xấu xí Giả Nam Phong được ban cho rượu độc để tự sát. Lúc chết, bà hoàng này 44 tuổi và vương triều nhà Tây Tấn từng bước diệt vong.
Mời độc giả xem video: Tỷ phú công nghệ chiếm ưu thế trong giới siêu giàu Trung Quốc. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (TH)