Hoằng Hóa chọn đúng khâu đột phá góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII (Bài 2): Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
'Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)' là một trong hai khâu đột phá quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ XXVII. Với cách làm sáng tạo, quyết liệt, khâu đột phá này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Dự án Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa). Ảnh: CTV
Thực hiện nhiều giải pháp
Để thu hút đầu tư hiệu quả, ngoài vấn đề lợi thế về vị trí, những năm qua, huyện Hoằng Hóa đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trọng tâm là hạ tầng giao thông nhằm kết nối giao thông giữa các vùng miền, đồng thời làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và dân vận; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là GPMB nhanh để bàn giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ.
Theo số liệu thống kê của huyện, từ ngày 1-1-2021 đến 15-4-2023 tổng số dự án phải GPMB trên địa bàn huyện là 324 dự án với diện tích 812,96 ha. Trong đó, có 254 dự án Nhà nước thu hồi đất với diện tích GPMB 756,14 ha, 70 dự án nhà đầu tư tự thỏa thuận với diện tích GPMB 56,82 ha.
Để thực hiện được khối lượng GPMB lớn như thế này, theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoằng Hóa Lê Xuân Thu, GPMB là “chìa khóa”, đồng thời cũng là yếu tố quyết định đến tiến độ thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư. Do đó, huyện đã dồn sức thực hiện công tác GPMB với tinh thần quyết liệt, đồng bộ, nhưng có phương pháp phù hợp, linh hoạt. Trong đó, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận trong xây dựng dự án, đồng thời có chính sách phù hợp động viên, khuyến khích người dân đồng thuận; kiên quyết cưỡng chế đối với những trường hợp cố tình chây ì, không phối hợp trong GPMB làm ảnh hưởng đến lợi ích chung.
Với việc kết hợp đồng bộ giữa công tác dân vận với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện, huyện đã đưa ra được nhiều giải pháp, biện pháp hiệu quả để giải quyết nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của tập thể và của cá nhân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, các dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN), các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đến nay, 100% dự án được ký cam kết GPMB giữa Nhà nước và các chủ đầu tư cơ bản được thực hiện đúng kế hoạch.
Bên cạnh đó, huyện xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng; quy hoạch phát triển các trung tâm, các CCN để thu hút đầu tư. Theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, huyện Hoằng Hóa có 2 khu công nghiệp (KCN) là KCN Phú Quý diện tích 540 ha và KCN Bắc Hoằng Hóa diện tích 157 ha cùng 6 CCN với tổng diện tích 334 ha. Tháng 8-2023, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng KCN Phú Quý đã được phê duyệt làm cơ sở để triển khai thực hiện. CCN Bắc Hoằng Hóa, CCN Thái Thắng nằm trong quy hoạch phát triển khu, CCN của tỉnh, đã thành lập CCN và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Với việc kết hợp đồng bộ giữa công tác dân vận với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện, huyện đã đưa ra được nhiều giải pháp, biện pháp hiệu quả để giải quyết nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân,... Đến nay, 100% dự án được ký cam kết GPMB giữa Nhà nước và các chủ đầu tư cơ bản được thực hiện đúng kế hoạch.
Đối với công tác cải cách hành chính, UBND huyện Hoằng Hóa đã yêu cầu các phòng, ban rà soát, rút ngắn tối đa thời gian xử lý các thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng nhanh, gọn, hiện đại, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Thực hiện cắt giảm từ 30% - 70% thời gian giải quyết TTHC theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. 100% công việc được UBND cấp huyện, cấp xã điều hành, xử lý trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; ứng dụng chữ ký số chuyên dùng. Cung cấp hiệu quả khi thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trong giải quyết TTHC. Từ tháng 1-2021 đến 6-2023, huyện tiếp nhận 6.521 hồ sơ, đã giải quyết 6.483 hồ sơ theo cơ chế một cửa, đạt 99,4%. Mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư về giải quyết TTHC thuộc cấp huyện đạt 94%.
Cùng với đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) của huyện Hoằng Hóa đã cải thiện rõ rệt so với năm 2021 khi nằm trong nhóm 6 đơn vị dẫn đầu được đánh giá mức độ tốt. Trong bảng xếp hạng DDCI khối UBND cấp huyện năm 2022 công bố tháng 4-2023, chỉ số DDCI của huyện Hoằng Hóa đạt 76,79 điểm, đứng vị trí thứ 4/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tăng 10 bậc so với năm 2021.
Thu hút các “ông lớn” vào đầu tư
Từ việc đổi mới, sáng tạo trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong 3 năm (2021-2023) tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện ước đạt trên 21.086 tỷ đồng, đạt 70,26% kế hoạch (chỉ tiêu đại hội đến năm 2025 đạt 30.000 tỷ đồng).
Đơn cử như CCN Bắc Hoằng Hóa được xây dựng tại các xã Hoằng Kim, Hoằng Phú có vị trí thuận lợi, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch là Quốc lộ 1A, với quy mô 50 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 36,39 ha. Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Thanh Hóa làm chủ đầu tư hạ tầng, với tổng mức đầu tư khoảng 180 tỷ đồng. Hiện CCN đã thu hút được 7 nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có 3 nhà đầu tư trong nước và 4 nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 200 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động. Các dự án thứ cấp đăng ký đầu tư đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp của CCN. Trong đó, có 3 nhà đầu tư đã ký hợp đồng thuê đất. Riêng dự án của Công ty TNHH Sakurai Việt Nam đã có quy mô diện tích đăng ký 27,5 ha.
Hiện nay, toàn huyện có 141 doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong 3 năm (từ 2021 đến 2023) ước đạt 10.743 tỷ đồng,...
Hay như CCN Thái Thắng được thành lập năm 2018, giao Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh hạ tầng công nghiệp Đại Dương Xanh làm chủ đầu tư hạ tầng với tổng diện tích theo quy hoạch là 30 ha (trong đó diện tích đất công nghiệp 15,8 ha, đất dịch vụ công nghiệp 4,8 ha), với tổng mức đầu tư hạ tầng khoảng 200 tỷ đồng. CCN đã được đầu tư hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư hạ tầng đã ký hợp đồng thuê đất với 1 nhà đầu tư thứ cấp (diện tích 7,38 ha) và 1 hợp đồng nguyên tắc với 1 nhà đầu tư thứ cấp nước ngoài với diện tích 8,1 ha. Tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đạt 100%, còn lại đất dịch vụ công nghiệp đang thu hút nhà đầu tư, dự kiến đến năm 2024 tỷ lệ lấp đầy CCN đạt 100%.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nhiều dự án lớn được chấp thuận đầu tư và lựa chọn được nhà đầu tư, đã và đang triển khai thực hiện, như: Dự án Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường; Khu dân cư và thương mại chợ Vực Lightland; Khu đô thị sinh thái ven sông Hoằng Hóa; Khu dân cư đô thị số 01, số 02 tại xã Hoằng Đồng...
Hoằng Hóa cũng là địa phương có nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực quan tâm khảo sát đầu tư như: Tập đoàn WHA ID của Thái Lan, Công ty TNHH và Thương mại Thành Nam, Công ty TNHH BNB Thanh Hóa; Công ty CP Everland Đông Sơn; Tập đoàn Tân Cảng...
Trong đó, Dự án Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường do Tập đoàn Flamingo làm chủ đầu tư. Đây là dự án du lịch trọng điểm của huyện Hoằng Hóa và của tỉnh với ý tưởng biến nơi này thành khu nghỉ dưỡng với các dịch vụ cao cấp. Hiện tổng khối lượng thực hiện toàn bộ dự án đã đạt khoảng 85% với tổng giá trị đầu tư khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trong tháng 1-2024 và đưa vào sử dụng chính thức trong tháng 4-2024.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huyện Hoằng Hóa đang ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với huyện. Hiện nay, toàn huyện có 141 doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong 3 năm (từ 2021 đến 2023) ước đạt 10.743 tỷ đồng, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.