Hoằng Hóa phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa
Hoằng Hóa có 470 di tích, trong đó có 93 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, gồm 16 di tích cấp quốc gia và 77 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích không chỉ nổi tiếng trong tỉnh, mà còn vươn tầm cả nước như bảng Môn Đình, đền thờ Trạng Quỳnh (xã Hoằng Lộc), đền thờ Tô Hiến Thành (xã Hoằng Tiến), cồn Mã Nhón (xã Hoằng Đạo), cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng)...
Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường thu hút đông khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Tự hào về truyền thống vẻ vang của quê hương, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Hoằng Hóa đã có nhiều chủ trương đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/HU ngày 9/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng trên địa bàn huyện; ban hành Quyết định số 586-QĐ/HU ngày 6/3/2023 về việc ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích xếp hạng, giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Hoằng Hóa giai đoạn 2023-2025” nhằm kết nối giữa du lịch với tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng.
Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 4 ban quản lý cấp huyện, 36 ban quản lý cấp xã và hầu hết các di tích còn lại đã thành lập được các tổ quản lý. Nhờ đó, công tác quản lý, điều hành tại các điểm di tích được thực hiện nghiêm túc, trật tự và hiệu quả. Hằng năm, huyện đã huy động từ nhiều nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích. Chỉ tính từ tháng 1/2021 đến nay đã huy động được gần 100 tỷ đồng. Nhiều di tích sau khi được tu bổ, phục hồi đã trở thành những điểm du lịch mới, hấp dẫn, kết nối các tour, tuyến du lịch trong huyện, trong tỉnh, như nhà thờ Trạng Quỳnh, bảng Môn Đình, chùa Hồi Long, chùa Bụt... thu hút trên 30.000 du khách cùng hàng vạn người dân địa phương. Nhiều di tích đã trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu của địa phương.
Cùng với quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích cách mạng, huyện còn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương; chỉ đạo định hướng, hướng dẫn nội dung tuyên truyền về công tác lịch sử Đảng và truyền thống quê hương gắn với chào mừng các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước. Các ban, phòng, ngành cấp huyện và cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đã tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tuyên truyền miệng; tuyên truyền thông qua các ấn phẩm sách, báo, bản tin, khẩu hiệu, biểu ngữ; tuyên truyền trực quan qua mạng internet, các phương tiện nghe, nhìn; thông qua công tác giáo dục lịch sử địa phương như tổ chức lễ hội Bút Nghiên vào dịp đầu xuân tại bảng Môn Đình, xã Hoằng Lộc, nhằm tuyên truyền, quảng bá, vinh danh truyền thống hiếu học của quê hương. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, đi tham quan, nghiên cứu thực tế tại các địa chỉ cách mạng trên địa bàn... góp phần giáo dục truyền thống quê hương và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Nhằm phát huy hơn nữa giá trị các di tích trên địa bàn, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Hoằng Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng... Đồng thời, chú trọng tổ chức các hoạt động, chương trình về nguồn tại các khu di tích lịch sử, tạo thành phong trào sâu rộng, thường xuyên đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân...