Hoằng Hóa (Thanh Hóa): Tình trạng biển xâm thực nghiêm trọng tại Hoằng Trường

Tình trạng biển xâm thực, đánh sập bờ kè bê tông kiên cố ăn sâu vào đất liền đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), khiến người dân lo sợ vì mỗi ngày lại có thêm những gốc phi lao, đoạn đường bị cuốn ra biển.

Tình trạng biển xâm thực, đánh sập cả bờ kè bê tông kiên cố ăn sâu vào đất liền đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở xã Hoằng Trường.

Tình trạng biển xâm thực, đánh sập cả bờ kè bê tông kiên cố ăn sâu vào đất liền đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở xã Hoằng Trường.

Ông Lê Văn Minh (50 tuổi), ngư dân thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường chia sẻ: “Vài tháng trở lại đây, sóng biển lồng vào trong bờ kè cuốn lớp cát, đất ra ngoài. Bị hẫng chân, bờ kè chỉ có ít sắt để chống đỡ lâu ngày sụp xuống. Từng mảng này tới mảng khác và tiếp tục lan rộng, một số đoạn sắt chòi ra, hoen gỉ rất nguy hiểm cho người dân khi đi lại qua đây. Với tốc độ tàn phá của sóng, không biết còn bao lâu khu neo đậu bè, mảng của ngư dân sẽ bị cuốn ra biển.

Cách khu vực bờ kè đang bị sóng biển bẻ gãy từng mảng, dọc bờ biển về phía Bắc tình trạng xâm thực vào phía trong ngày một sâu. Ngay gần đó là những gốc cây phi lao hàng chục năm tuổi còn trơ lại. Một phần đoạn đường bê tông chạy dọc bờ biển đã bị sóng moi thủng lớp đất đá phía dưới”.

Những gốc cây phi lao hàng chục năm tuổi trơ trọi.

Những gốc cây phi lao hàng chục năm tuổi trơ trọi.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa cho biết: “Đoạn bờ biển thuộc thôn Văn Phong và một phần thôn Đại Trường bị xâm thực mạnh. Sóng lớn vỗ ngày đêm đã cuốn trôi nhiều diện tích đất và cây phi lao, đe dọa đến các công trình khu du lịch.

Một số đoạn kè đã bị sóng đánh sập. Chúng tôi đã tiến hành kiểm kê, đo đạc, cắm biển cảnh báo, ghi sổ theo dõi và báo cáo cấp trên xin hướng chỉ đạo. Nếu không có biện pháp can thiệp, gia cố, thì chẳng mấy chốc mà hàng phi lao sẽ bị cuốn trôi. Cùng với đó là tài sản, đất đai dọc bờ biển cũng bị sóng nuốt chửng”.

Một số đoạn sắt chòi ra, hoen gỉ.

Một số đoạn sắt chòi ra, hoen gỉ.

Được biết, sau trận bão lịch sử năm 2018 đánh sập các bờ kè, đất đai, cây cối xuống biển, cơ quan chức năng đã triển khai dự án kè dọc bờ biển từ xã Hoằng Trường đến xã Hoằng Thanh với số tiền cả trăm tỷ đồng. Nhưng trước sự biến đổi của thiên tai, thất thường của thời tiết, một số đoạn đã bị đánh sập.

Ông Lê Bá Duy, chuyên viên theo dõi đê điều phòng chống thiên tai huyện Hoằng Hóa cho hay: “Chúng tôi đang ghi nhận việc xâm thực, trước mắt cắm biển cảnh báo, đóng cọc, chất bao tải cát để hạn chế sóng đánh. Tổng diện tích bị xâm thực, ảnh hưởng khoảng 1,3km thuộc thôn Văn Phong, Đại Trường. Trong đó có khoảng 20m bị sụt lún nghiêm trọng khu vực bè mảng neo đậu của ngư dân.

Trước mắt sử dụng các biện pháp thủ công để hạn chế xâm thực, sóng đánh vào bờ. Sau đó, tiếp tục theo dõi và báo cáo cấp có thẩm quyền đánh giá tính chất, mức độ ảnh hưởng và phần đất đã giao cho các nhà đầu tư phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, lập dự án để gia cố, xây dựng bờ kè đảm bảo an toàn cho khu neo đậu tàu, thuyền và các công trình của nhà nước, nhân dân”.

Được biết, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cùng lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan đã đi kiểm tra thực trạng bờ biển Hải Tiến bị biển xâm thực, gây sạt lở tại các xã Hoằng Trường và Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa.

Tại các nơi đến kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các xã Hoằng Trường và Hoằng Phụ đã triển khai một số biện pháp truyền thống nhằm hạn chế việc ảnh hưởng nước biển xâm thực.

Lập dự án để gia cố, xây dựng bờ kè đảm bảo an toàn cho khu neo đậu tàu, thuyền và các công trình của Nhà nước, nhân dân.

Lập dự án để gia cố, xây dựng bờ kè đảm bảo an toàn cho khu neo đậu tàu, thuyền và các công trình của Nhà nước, nhân dân.

Nhằm bảo vệ cơ sở vật chất, hạ tầng và bảo vệ đời sống, tính mạng của người dân một cách lâu dài, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ huyện Hoằng Hóa triển khai thực hiện các phương án “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất nước biển xâm thực.

Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai. Từ nguồn dự phòng ngân sách của tỉnh, hỗ trợ huyện Hoằng Hóa triển khai ngay công trình khẩn cấp thi công toàn tuyến, điểm đầu tại xã Hoằng Phụ đến điểm cuối cống Phúc Ngư, xã Hoằng Trường dài 3km.

Nguyễn Thị Yến

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/hoang-hoa-thanh-hoa-ti-nh-tra-ng-bie-n-xam-thu-c-nghiem-tro-ng-ta-i-hoa-ng-truo-ng-381798.html