Hoàng hôn trên 'bến không chồng'
Những ngày tháng 7, khi cả dân tộc cùng hướng về hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập - tự do của Tổ quốc, tôi đọc được bài thơ Hoàng hôn trên 'bến không chồng' trong tập thơ 'Thương khúc đồng dao' của nhà thơ Hữu Diên, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Dẫu cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đã qua đi gần nửa thế kỷ, nhưng mỗi khi bắt gặp hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong văn học - nghệ thuật hay các tác phẩm báo chí, tôi vẫn không khỏi ám ảnh về mất mát, thương đau mà những người phụ nữ Việt đã phải gánh chịu.
Sinh ra, lớn lên trên đất thép Vĩnh Linh - Quảng Trị, nơi dòng sông Bến Hải từng là ranh giới chia đôi bờ Nam - Bắc trong những ngày cả dân tộc gồng mình chống Mỹ - ngụy, cậu bé Hữu Diên đã chứng kiến bao cảnh mất mát, đau thương của những tháng năm bom đạn; chứng kiến bao cuộc ly tán đầy nước mắt. Để rồi đằng đẵng suốt 20 năm nhớ mong, chờ đợi, cầu Hiền Lương đã vỡ òa nước mắt đoàn viên của đôi bờ Nam - Bắc trong ngày vui toàn thắng.
Nhà thơ Hữu Diên chia sẻ, hòa bình lập lại, cuộc mưu sinh khiến ông phải rời quê, lưu lạc phương Nam suốt gần 30 năm. Một ngày trở về thăm quê, lang thang trên cầu Hiền Lương và dõi mắt về phía thượng nguồn, ông bắt gặp những đám mây vần vũ trên dải Trường Sơn trùng điệp. Nhìn về hạ nguồn xa xa phía Cửa Tùng, những con sóng rì rầm như nhắc lại ký ức một thời đạn bom, đau thương nhưng rất đỗi oai hùng. Và bất chợt ánh mắt nhà thơ sững lại khi bắt gặp hình ảnh một bà mẹ Vĩnh Linh bé nhỏ, ngồi lặng lẽ bên bờ sông Bến Hải đang dõi mắt về phương Nam trong ánh hoàng hôn le lói cuối ngày. Niềm thương cảm, sự kính trọng và ngưỡng mộ những người bà, người mẹ, người vợ dâng trào đã khiến tâm cảm nhà thơ rung lên. Dòng cảm xúc tuôn trào và tác giả viết ngay trên tin nhắn điện thoại. Đó là hoàn cảnh ra đời của Hoàng hôn trên “bến không chồng”, dù viết rất nhanh nhưng đầy cảm xúc.
Khổ thơ đầu mới chỉ gợi nhớ những ký ức tuổi thơ nơi miền Trung gió Lào cát trắng: “Cánh diều ôm những ước mơ/ Đò quê đưa rước tuổi thơ đi về” chứ chưa đưa ra một thông điệp hay dự cảm gì về sự chia ly, cách trở. Nhưng đến khổ thơ thứ hai, người đọc đã cảm nhận được sự u ám, nặng nề và những đau thương, mất mát của quê hương Vĩnh Linh thời loạn lạc.
Mây chiều vần vũ sơn khê
Đạn bom một thuở, cắt chia đôi miền
Bến quê bao lớp thanh niên
Ra đi đánh giặc giữ gìn nước non.
Chiến tranh đã làm “đứt đoạn” ước mơ của bao thế hệ thanh niên. Nhưng bất chấp đạn bom, bất chấp hy sinh, tình yêu lứa đôi vẫn lặng thầm giữa hai đầu hậu phương - tiền tuyến. Và tình yêu ấy được nuôi lớn trong một tình yêu lớn lao hơn, thiêng liêng và cao cả hơn - là tình yêu Tổ quốc. Vì thế, họ sẵn sàng xa nhau, sẵn sàng hy sinh để đất nước có được ngày sum họp vẹn toàn. Như một nhà văn kháng chiến từng viết: Tuổi trẻ thời chiến, đường ra trận chính là điểm hẹn, là nơi gặp gỡ. Và bến sông quê của nhà thơ Hữu Diên đã chứng kiến bao lớp thanh niên xếp bút nghiên lên đường đánh giặc. Khi cuộc chiến ngày càng ác liệt, bao chàng trai ra trận và đã nằm lại nơi cánh rừng hay bờ sông, khe suối, bỏ lại câu thề ước năm xưa, để người thương bàng hoàng, ngơ ngác trước sự chia xa vĩnh viễn:
Chiến tranh duyên nợ không tròn
Gái làng mấy lứa thành “Hòn vọng phu”!
Câu thơ như một tiếng nấc nghẹn không phải cho người ra đi mà cho người ở lại. Hai mươi năm, bao lứa gái làng vẫn ra bến sông năm xưa ngóng đợi người thương như một thói quen, để rồi người đời đặt tên là “Bến không chồng”. Và những người phụ nữ ấy đã trở thành những “hòn vọng phu” sống động. Thậm chí cho đến lúc này, khi cả nước đã có những hoạt động chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975 - 30-4-2025) thì vẫn có những người bà, người mẹ thẫn thờ bên bờ sông Bến Hải, ngóng về phương Nam giống như người mẹ - nhân vật trong Hoàng hôn trên “bến không chồng”.
Trên đất nước hình chữ S này, từ Bắc vô Nam có rất nhiều ngọn núi với những trụ đá mang dáng hình người phụ nữ bồng con và thường được dân gian gọi là những “hòn vọng phu”. Nếu như đất nước Việt Nam chưa từng xảy ra những cuộc chiến chống ngoại xâm thì những trụ đá vô tri kia hẳn cũng chỉ giống như bao trụ - hòn đá mang những hình thù kỳ dị khác. Thế nhưng qua mấy ngàn năm phải gồng mình đánh đuổi giặc ngoại xâm, bao lứa trai ra trận không về là bấy nhiêu lứa thiếu nữ trở thành những nàng chinh phụ. Và thế là những trụ đá kia trở thành huyền thoại về người chinh phụ ôm con ngóng đợi chồng đến hóa đá. Dẫu chỉ là sự tích dân gian, nhưng nó được truyền từ đời này qua đời khác như một lời nhắc nhở và gửi gắm vào đó sự cảm phục đức thủy chung của người phụ nữ Việt Nam. “Vọng phu” đã trở thành hình tượng đẹp trong thơ ca, nhạc, họa, điện ảnh, sân khấu… ngợi ca tấm lòng trung trinh của người phụ nữ. Và thật lạ, trải qua bao biến thiên của lịch sử và sự bào mòn của thời gian, những khối đá vọng phu vẫn sừng sững giữa đất trời, giống như niềm tin vĩnh hằng của người đời về phẩm hạnh tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam vậy.
Lục bình tím cả dòng trôi
Vành khăn tang níu một đời… Mẹ đau!
… Từng đêm bậc cửa, mẹ ngồi
Đợi chồng từ thuở đôi mươi đến giờ.
Đọc những câu thơ này, tôi chợt nhớ hình ảnh người đàn bà tóc xõa tung, miệng méo xệch, bám chặt vào cửa xe cứu thương khi người ta đưa một thương binh cụt cả tứ chi về nhà để người thân chăm sóc theo yêu cầu của gia đình ở quê tôi năm nào. Mắt bà nhìn như ngây dại vào người thương binh và liên tục hỏi: Thế còn chồng tôi? Chỉ cần anh ấy còn sống thì dù thương tật cỡ nào tôi cũng chăm sóc anh ấy cả đời mà! Sao anh ấy lại không trở về?! Những người phụ nữ Việt Nam thực sự là những tượng đài về lòng thủy chung son sắt. Có anh lính về 3 ngày phép tranh thủ cưới vợ. Họ chỉ ở với nhau đúng hai rồi người lính ra đi không về nữa. Người phụ nữ ở vậy cả đời và khăn gói khắp nơi để tìm mộ chồng, cho dù sau 50 năm, có tìm thấy cũng chỉ còn là nắm đất. Vậy mà còn sức lực, họ vẫn đi tìm, vẫn cứ ngóng trông, chờ đợi.
Thấu cảm sự khốc liệt của chiến tranh, và hẳn là những hoàn cảnh có thật ngoài đời ở đất thép Vĩnh Linh - mảnh đất “Thắt lưng ong gánh lịch sử hai đầu” đã “đóng dấu” vào nhà thơ Hữu Diên sự hy sinh, mất mát khôn cùng của những người phụ nữ. Có lẽ vì thế mà ông đã dùng cả hai hình tượng vọng phu và bến không chồng vào bài thơ để minh chứng cho sức chịu đựng phi thường ấy. Và đó chính là tâm cảm, là niềm yêu kính, ngưỡng vọng của nhà thơ Hữu Diên về phẩm hạnh đáng kính của người phụ nữ Việt Nam.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/146988/hoang-hon-tren-ben-khong-chong