Hoàng Su Phì đẩy mạnh phát triển cây mận Máu bản địa
BHG - Mận Máu là sản phẩm nổi tiếng của huyện Hoàng Su Phì, chỉ đứng sau cây chè Shan tuyết, là cây trồng thế mạnh của các xã phía Bắc của huyện. Với giá trị kinh tế cao, trong những năm gần đây, cây mận Máu đã trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần giảm nghèo cho nhiều gia đình trên địa bàn huyện.
Mận Máu Hoàng Su Phì với sắc đỏ thẫm tự nhiên, thịt quả ngọt thanh và giàu chất dinh dưỡng, không chỉ được yêu thích tại địa phương mà còn ngày càng thu hút sự quan tâm của thị trường trong và ngoài nước.
Ngược lên xã Chiến Phố “thủ phủ” của cây mận Máu, đến thăm vườn mận của gia đình chị Lù Già Đông ở thôn Sưi Thầu có hơn 200 gốc cây mận máu là một trong những hộ có diện tích mận lớn của thôn, chị Đông cho biết: “Mận Máu thường chín rộ vào khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm. Thời điểm này, cây bắt đầu ra chồi mới, các gia đình trong thôn đang tập trung chăm sóc cây. Cán bộ khuyến nông của huyện, xã thường xuyên hướng dẫn chúng tôi kỹ thuật cắt tỉa cành, chăm bón sau thu hoạch để đảm bảo năng suất cho niên vụ tới. Mỗi năm khi được mùa gia đình tôi thu nhập khoảng 60 triệu đồng; thời điểm ít nhất do mất mùa cũng thu được khoảng 40 triệu đồng. Nhờ thu nhập ổn định từ cây mận mà cuộc sống gia đình tôi cũng đã bớt khó khăn”.
Trước kia giống mận Máu chỉ tập trung trồng ở các xã như: Chiến Phố, Thàng Tín, Pố Lồ, Đản Ván, Thèn Chu Phìn thì nay huyện đã tập trung phát triển tại các xã khác như: Bản Phùng, Túng Sán, Nàng Đôn… Giống mận này có đặc điểm khi chín quả mọng, vỏ đỏ, vị ngọt, ngon được mọi người ưa chuộng, giá thành dao động từ 25 - 60 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến hơn 80 nghìn đồng/kg. Đây là loại mận chín muộn hơn so với các loại mận khác nên thường được giá.
Hiện nay, huyện Hoàng Su Phì có gần 500 ha mận Máu; khoảng 82,4 ha cho thu hoạch, năm 2024 sản lượng ước đạt từ 100 - 132 tấn. Những vụ trước, thương lái các nơi đến trực tiếp các vườn hộ để thu mua, nhưng nhiều năm nay, huyện Hoàng Su Phì phát triển mô hình “Cây mận Máu nhà tôi”. Theo đó, người mua sẽ thỏa thuận với người trồng để mua những cây mận trong khoảng thời gian nhất định. Người trồng sẽ phụ trách chăm sóc và người mua có thể theo dõi tiến trình trồng mận trên một phần mềm được cài đặt ở điện thoại. Người mua có thể tự thỏa thuận với bà con về số lượng cây, giá thành và chính quyền sẽ hỗ trợ thu mua.
Đồng chí Lý Chòi Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Xác định mận Máu là cây có giá trị kinh kế cao, mang lại thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, huyện đã đã tập trung mở rộng diện tích; thông qua các cơ chế hỗ trợ giống, phân, thành lập các HTX cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Có phương án phát triển loại cây này gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ 100% cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc, phát triển bền vững cây mận Máu theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa. Cùng với việc mở rộng diện tích, huyện đã quan tâm, định hướng đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, năm 2019, huyện đã phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thực hiện Đề tài khoa học cấp bộ về “Khai thác và phát triển nguồn gen bản địa cây mận Máu tại Hà Giang”. Trong đó, Đề tài tập trung vào xây dựng các mô hình thâm canh; hỗ trợ 100% giống cho các hộ trồng mận Máu trong vùng quy hoạch. Cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm mận Máu Hoàng Su Phì. Đồng thời kết nối thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với sự tích cực, chủ động của người dân trong việc chăm sóc diện tích mận Máu, hứa hẹn niên vụ 2025 sẽ đạt năng suất, sản lượng cao; góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.