Hoàng Su Phì quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

BHG - Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những “mắt xích” quan trọng trong phát triển KT - XH, những năm qua huyện Hoàng Su Phì triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động địa phương.

Là huyện miền núi có trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số, đại bộ phận người dân sống ở vùng nông thôn bằng nông nghiệp; hầu hết người dân trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề. Thời gian qua, huyện Hoàng Su Phì tích cực khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động, dự báo thị trường việc làm, mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Sau khi được đào tạo, nhiều LĐNT thuộc hộ nghèo đã có việc làm và thoát nghèo thành công, có hộ có thu nhập khá.

Các học viên được trao chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học điện dân dụng.

Các học viên được trao chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học điện dân dụng.

Từng tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật xây dựng dân dụng, anh Lù Văn Kim, thôn Xín Chải, xã Chiến Phố có thêm kiến thức, kỹ năng để áp dụng vào công việc. Anh Kim cho biết: “Khi chưa tham gia lớp học, tôi chủ yếu làm theo kinh nghiệm, chưa nắm vững các kỹ thuật cơ bản, nên đôi khi công việc gặp khó khăn, phải sửa chữa nhiều lần. Sau khi được đào tạo bài bản, tôi tự tin hơn trong công việc, đảm bảo các công trình đạt chất lượng tốt, an toàn và bền vững hơn. Ngoài ra, tôi còn có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các thầy giáo và anh em trong lớp, giúp tôi mở rộng hiểu biết và có thêm nhiều mối quan hệ trong nghề. Từ đó, tôi có thêm nhiều cơ hội việc làm, thu nhập ổn định hơn so với trước”.

Chị Lù Thị Dậu, thôn Ngài Thầu, xã Thàng Tín cho biết: “Trước đây thu nhập của gia đình chủ yếu từ trồng lúa nên khá bấp bênh, kinh tế không ổn định. Sau khi tham gia lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật trồng rau an toàn của huyện tổ chức, tôi đã chuyển đổi 0,6 ha của gia đình sang trồng rau. Đến nay, gia đình tôi có thêm thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm từ trồng các loại rau như bắp cải, xu hào, các loại đậu”.

Có thể thấy, đào tạo nghề cho LĐNT của huyện Hoàng Su Phì đã và đang mang lại những lợi ích và hiệu quả thiết thực. Hiện nay, huyện có 48.464 người trong độ tuổi lao động, xác định đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp với nhu cầu.

Lớp dạy nghề trồng chè tại xã Pố Lồ thu hút nhiều học viên tham gia.

Lớp dạy nghề trồng chè tại xã Pố Lồ thu hút nhiều học viên tham gia.

Năm 2024, huyện mở 27 lớp đào tạo nghề cho 855 học viên với các nghề: Kỹ thuật trồng rau an toàn, trồng chè, nấm, xây dựng dân dụng, chế biến món ăn… Một số địa phương tổ chức các mô hình dạy nghề và đạt được kết quả khả quan như: Hồ Thầu (trồng nấm, thêu ren mỹ thuật); Nam Sơn (nhân giống cây ăn quả); Thàng Tín (trồng rau an toàn)... Đặc biệt, nhiều lao động sau đào tạo nghề đã mạnh dạn thành lập trang trại, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm với các mô hình chăn nuôi gà, lợn; trồng chè, nấm, rau an toàn; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống gắn với OCOP; ứng dụng cơ giới hóa, sinh học hóa, công nghệ thông tin và truyền thông để xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

Đồng chí Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì khẳng định: “Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề cho LĐNT, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dạy nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện tốt việc khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề của người lao động; xây dựng kế hoạch dạy nghề cho LĐNT gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và các chương trình, dự án ưu tiên phát triển trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động, thực hiện tốt việc định hướng nghề nghiệp trên cơ sở các chương trình, mục tiêu phát triển KT - XH địa phương; chú trọng các ngành chủ lực có thế mạnh gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới”.

Bài, ảnh: NGUYỄN YẾM

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202504/hoang-su-phi-quan-tam-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-d4a7d6e/