Hoàng Su Phì tập trung phát triển cây vụ Đông
Nhiều năm qua, cây vụ Đông được huyện Hoàng Su Phì xác định có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Những loại cây ngắn ngày trồng trong vụ Đông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng hệ số sử dụng đất, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Hoàng Su Phì, Lý Chòi Nhàn cho biết: Đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn huyện đã kết thúc thời vụ gieo trồng vụ Đông, tuân thủ đúng quy trình chăm sóc nên cây sinh trưởng và phát triển tốt. Để đưa phong trào trồng cây vụ Đông phát triển mạnh mẽ, Phòng Nông nghiệp - PTNT đã phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân gieo trồng hết diện tích; tìm kiếm đầu mối liên kết trong sản xuất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân; khuyến cáo bà con trồng những giống cây có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là rau, đậu các loại. Trạm Khuyến nông huyện phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, huyện tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ giống, phân bón để người dân yên tâm sản xuất; phát động chương trình ủ phân xanh làm phân hữu cơ tại các xã trọng điểm sản xuất vụ Đông, như: Pố Lồ, Sán Sả Hồ, Bản Luốc, Tụ Nhân và Chiến Phố...
Chiến Phố là một trong những xã có thế mạnh về cây trồng vụ Đông; theo kế hoạch, năm 2019 xã trồng trên 100 ha, chủ yếu là ngô, đậu tương, rau, đậu các loại. Xã Thàng Tín với lợi thế có khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho việc trồng các loại rau: Bắp cải, Su hào, Đậu Hà lan, Cải thảo… Chỉ tính riêng thôn Ngài Thầu - một trong những thôn có nhiều hộ tham gia trồng cây vụ Đông nhất của xã Thàng Tín có trên 10 ha với hơn 30 hộ cùng thực hiện, qua mỗi vụ thu hoạch bán ra thị trường cho thu nhập từ 20 – 25 triệu đồng/hộ…
Đồng chí Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tiếp nối những thắng lợi từ vụ Đông trước, sau khi thu hoạch lúa Mùa, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt việc kiểm tra, nạo vét, tu sửa kênh mương, công trình thủy lợi, đảm bảo nước phục vụ sản xuất; căn cứ điều kiện cụ thể, tiến hành rà soát toàn bộ diện tích đất để có biện pháp sản xuất cụ thể; tăng cường thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích; cán bộ khuyến nông chịu trách nhiệm hướng dẫn bà con bố trí cơ cấu giống và các loại cây trồng phù hợp để vụ Đông đạt năng suất cao. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, nhân dân trong huyện đã gieo trồng hơn 1.700 ha, đạt kế hoạch đề ra, cây vụ Đông đã góp phần mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con…
Với cách làm bài bản, có chiều sâu; năm 2019, lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện có bước chuyển biến rõ rệt; giá trị sản xuất đạt trên 49 triệu đồng/ha/năm, tăng trên 1 triệu đồng so với năm 2018; nhiều chính sách lớn của tỉnh, huyện được ban hành đã đi vào cuộc sống; đặc biệt là Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh, Chương trình OCOP đã có 12 sản phẩm được đánh giá từ 3 - 5 sao… Các mô hình kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều, đem lại hiệu quả giá trị kinh tế cao đã được nhân rộng.
Bài, ảnh: PHI ANH