Hoàng thành Thăng Long là hình mẫu về bảo tồn di sản

Trong kỳ họp thứ 46 vừa qua, UNESCO đã thông qua đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Sự đồng thuận của UNESCO mở ra một giai đoạn mới trong phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long với điểm nhấn là hạ giải một số hạng mục công trình để tiến tới phục dựng không gian Ðiện Kính Thiên.

Hiếm có di sản nào mà những giá trị còn ẩn giấu thậm chí còn lớn hơn cả những giá trị đã biết như Hoàng thành Thăng Long. Bởi thế, nhiệm vụ vừa nghiên cứu, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị của khu di sản văn hóa thế giới này là hết sức đặc biệt.

Sau hai năm đệ trình, các chuyên gia quốc tế đánh giá cao bộ hồ sơ bảo tồn di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Những vấn đề quan trọng nhất mà UNESCO chấp thuận là: việc nghiên cứu khảo cổ học, việc tháo dỡ những công trình không đóng góp vào giá trị phổ quát nổi bật của di sản và đang xâm phạm trục trung tâm (trục Thần đạo), tái thiết Ðiện Kính Thiên.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội, cho biết: việc UNESCO đã thông qua đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sau khi có quyết định của Ủy ban Di sản thế giới thì sẽ triển khai để các hồ sơ bảo tồn này thành hiện thực tại di sản, giúp du khách đến đây càng hiểu hơn công lao to lớn của các bậc tiên đế cũng như chiều dài lịch sử Việt Nam suốt hơn 1.000 năm.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Hành trình nghiên cứu về Ðiện Kính Thiên là hành trình đi từ không đến có. Từ chỗ chỉ có mỗi nền của Ðiện Kính Thiên, rồi Ðiện Long Thiên (thay thế Ðiện Kính Thiên dưới thời Nguyễn), đến nay, các nhà khoa học đã đi được 60-70% tiến trình phục dựng Ðiện Kính Thiên. Mỗi lần khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long là một lần các nhà nghiên cứu làm rõ thêm giá trị. Song song với phần nghiên cứu giá trị vật thể, những hoạt động, nghi lễ cung đình xưa được triển khai.

Ông Johnathan Baker, Trưởng Ðại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, thông tin: "UNESCO đánh giá cao nỗ lực của ban quản lý các khu di sản, trong đó có di sản Hoàng thành Thăng Long và chính quyền thành phố Hà Nội cũng như Việt Nam trong việc gắn kết di sản vật thể với di sản phi vật thể, cũng như phát huy giá trị di sản đến với đời sống đương đại".

Với những giá trị nổi bật toàn cầu được bồi đắp suốt hơn 10 thế kỷ, khu di sản Hoàng thành Thăng Long là địa chỉ văn hóa đặc biệt quan trọng trong hệ thống di sản tại Thủ đô Hà Nội. Kể từ khi mở cửa đón khách tham quan và được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới đến nay, khu di sản Hoàng thành Thăng Long ngày càng hấp dẫn hơn với các sự kiện, hoạt động văn hóa quy mô, đa dạng và hấp dẫn.

Thu Trà

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/hoang-thanh-thang-long-la-hinh-mau-ve-bao-ton-di-san-259147.htm