Hoàng Thị Hồng Thương - Nữ dân quân 'Giỏi việc nước, đảm việc nhà'

Xinh đẹp, hoạt bát, năng động, hòa đồng… là những điều tôi nhận thấy trong lần đầu tiên gặp gỡ với Hoàng Thị Hồng Thương - Chính trị viên, Phó Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Đại Minh, huyện Yên Bình.

Hoàng Thị Hồng Thương (thứ 3, từ trái sang) giới thiệu với các đồng đội về mô hình trồng bưởi của gia đình.

Hoàng Thị Hồng Thương (thứ 3, từ trái sang) giới thiệu với các đồng đội về mô hình trồng bưởi của gia đình.

Rất tình cờ nhưng cũng rất tự nhiên và dù cuộc gặp gỡ ấy chỉ diễn ra trong vòng nửa tiếng đồng hồ ngắn ngủi, bên lề một cuộc thi nghệ thuật của huyện nhưng cũng đủ để tôi muốn viết một câu chuyện về người nữ chiến sĩ "sao vuông” này.

Hoàng Thị Hồng Thương sinh năm 1990 tại thôn 7, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, là con út trong một gia đình có 4 anh chị em. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y Phú Thọ năm 2011, sau khi vinh dự được kết nạp Đảng trong nhà trường, trở về sau học chuyên nghiệp với ý định tiếp tục ước mơ theo đuổi nghề y, nhưng duyên số đã đưa Hồng Thương bước sang một ngã rẽ khác khi nhận việc ở xã Đại Minh, gặp và lập gia đình với người chồng hiện tại là một cán bộ Trạm Y tế xã…

Hai đứa con kháu khỉnh lần lượt ra đời giúp mái ấm của Hồng Thương luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Nếu như đối với phần lớn các bạn trẻ, nhất là phụ nữ đều rất ái ngại với những công việc liên quan đến mảng quốc phòng - an ninh, thì với Hồng Thương, do được thừa hưởng truyền thống của gia đình và các thế hệ đi trước, phần vì muốn thử thách bản thân, thay đổi môi trường công tác, bản thân cô đã chủ động bày tỏ mong muốn được trở thành một nữ chiến sĩ "sao vuông”...

Thấu hiểu giống bưởi Đại Minh vốn là loại cây trồng mũi nhọn, được nhiều người biết đến của địa phương, với mơ ước phát triển kinh tế từ giống cây này, Hồng Thương đã mạnh dạn thay đổi tư duy, tìm tòi nghiên cứu để từng bước làm kinh tế từ bưởi. Với quyết tâm thoát nghèo, cô nhận thức được rằng, muốn có cuộc sống ổn định và phát triến kinh tế gia đình thì không thể cứ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà phải tự thân vận động và tìm cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Những ngày đầu khó khăn chồng chất với vỏn vẹn 20 gốc bưởi già cỗi của ông bà để lại, thiếu kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giá cả thị trường nên thu nhập từ trái bưởi không ổn định. Phần cũng vì chưa có nhiều kinh nghiệm, giải pháp phát huy hết tiềm lực kinh tế của quả bưởi, chưa có nhiều mô hình thực sự đa dạng, đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế…, Hồng Thương cũng như một số người phát triển cây bưởi đã vấp phải những khó khăn nhất định.

Tuy vậy, sau những trăn trở suy nghĩ, với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, Hồng Thương đã dần tiếp cận được các tài liệu, kiến thức kỹ thuật sản xuất chăn nuôi, tham gia học hỏi từ các mô hình kinh tế điển hình trong xã. Cô và gia đình quyết định tập trung đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình kết hợp phát triển cây bưởi Đại Minh gắn với nuôi ong dưới tán bưởi và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp hóa…

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND, Ban CHQS xã và các đoàn thể, năm 2016, Hồng Thương đã được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Bình để phát triển kinh tế gia đình. Từ 20 gốc bưởi ban đầu cho thu nhập thấp, gia đình cô đã áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo, tưới tiêu tự động, trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, theo hướng hữu cơ...

Đồng thời, nhân rộng mô hình trồng thêm 120 gốc bưởi mới, cùng với việc tái đầu tư vào chăn nuôi cá, lợn, gà và nuôi ong, đến nay, mô hình kinh tế của gia đình Hồng Thương đã cho thu nhập ổn định, trừ chi phí thu nhập bình quân đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm; sản phẩm bưởi của gia đình Hồng Thương đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện Hồng Thương là thành viên của các tổ hợp tác, Hợp tác xã (HTX) Bưởi Đại Minh…

Từ kết quả phát triển kinh tế gia đình, Hồng Thương tích cực hướng dẫn, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong thôn, trong xã, nhất là các đồng chí trong lực lượng dân quân để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bưởi, đáp ứng nhu cầu của thị trường (Hồng Thương đã hướng dẫn giúp đỡ cho 8 dân quân trong thôn áp dụng mô hình trồng bưởi kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm).

Cô cũng đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trong thôn tham gia các tổ hợp tác, HTX Bưởi Đại Minh và HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Minh; trong đó, lực lượng dân quân đã có 22 đồng chí tham gia là thành viên. Cô tích cực hướng dẫn các thành viên trong HTX áp dụng chuyển đổi số trong việc trồng, chăm sóc và tiêu thụ bưởi, giúp đỡ các hộ tạo mã QR-Code truy xuất nguồn gốc bưởi, bán sản phẩm bưởi trên các sàn thương mại điện tử…

Qua đó, đã tạo ra môi trường, cơ hội để lực lượng dân quân trao đổi, học tập kinh nghiệm cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu của thôn và xã.

Mới được tín nhiệm bổ nhiệm làm Chính trị viên, Phó Ban CHQS xã Đại Minh, bản thân Hồng Thương luôn là nữ dân quân được xếp loại giỏi qua các đợt huấn luyện, là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền. Cô thường xuyên tham gia Phong trào dân vận khéo tại cơ sở như: Phong trào "cán bộ, chiến sĩ dân quân chung tay xây dựng nông thôn mới”; "Ngày cuối tuần cùng dân”; "Hậu phương quân đội”; "Xóa đói giảm nghèo”…, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xứng đáng là nữ dân quân "Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Tô Hải

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/325448/hoang-thi-hong-thuong---nu-dan-quan-gioi-viec-nuoc-dam-viec-nha.aspx