Hoạt động của các nhà máy ở châu Á vẫn bấp bênh
Hàng loạt cuộc khảo sát cho thấy hoạt động của các nhà máy ở châu Á vẫn yếu trong tháng 11/2023 do nhu cầu toàn cầu chưa phục hồi.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Caixin/S&P Global trong lĩnh vực sản xuất tư nhân của Trung Quốc đã bất ngờ tăng lên mức 50,7 trong tháng 11/2023, so với mức 49,5 trong tháng 10 và cao hơn dự báo của các nhà phân tích. PMI vượt mốc 50 thể hiện sự tăng trưởng.
Một ngày trước đó, cuộc khảo sát chính thức cho thấy hoạt động của các nhà sản xuất và phi sản xuất ở Trung Quốc giảm, qua đó làm nổi bật những khó khăn ngày càng tăng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhà kinh tế trưởng Dan Wang của ngân hàng Hang Seng Bank China nhận định thị trường trong nước không thể bù đắp cho những thiệt hại ở châu Âu và Mỹ. Dữ liệu cho thấy các nhà máy đang sản xuất với sản lượng thấp hơn và tuyển dụng ít lao động hơn.
Các cuộc khảo sát mới nhất cũng cho thấy Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), vốn dựa vào xuất khẩu, đang chịu áp lực do nhu cầu toàn cầu chậm lại, khiến hoạt động sản xuất cũng chậm lại theo trong tháng 11/2023.
Nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, ông Toru Nishihama, dự báo sự phục hồi sớm ở châu Á khó diễn ra sớm. Mặc dù xuất khẩu có thể chạm đáy nhưng sau đó sẽ không tăng tốc nhiều vì nền kinh tế toàn cầu thiếu động lực tăng trưởng chính.
Chỉ số PMI sản xuất của Ngân hàng Au Jibun của Nhật Bản đã giảm xuống 48,3 trong tháng 11/2023, từ mức 48,7 trong tháng 10, giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 tháng.
PMI của Hàn Quốc đạt mức 50 trong tháng 11, tăng nhẹ so với mức 49,8 của tháng 10/2023. Mức tăng xuất hiện sau 16 tháng giảm liên tiếp cho đến tháng 10/2023, đợt giảm dài nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2004.
Các cuộc khảo sát cũng cho thấy hoạt động sản xuất ở Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia cũng giảm, nhưng hoạt động sản xuất ở Ấn Độ, Indonesia và Philippines lại tăng.
Kinh tế Trung Quốc đã phải vật lộn trong năm nay để đạt được sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, làm gia tăng không khí ảm đạm đối với triển vọng toàn cầu, vốn đã mong manh khi các nền kinh tế Mỹ và châu Âu bắt đầu cảm nhận tình trạng khó khăn sau những đợt tăng lãi suất trước đây.