Hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước
Ngày 26-7, tại Hà Nội, Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư tổ chức hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2019. Ðồng chí NGUYỄN VĂN BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư dự.
Trong sáu tháng đầu năm 2019, các cấp ủy đảng trong Khối đã đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ðến nay có 30 trong tổng số 31 đơn vị của Khối đã hoàn thành việc hợp nhất các cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng ủy cấp trên cơ sở với các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của doanh nghiệp. Việc rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy và cán bộ quản lý, cán bộ chủ chốt tại các đảng ủy trực thuộc được triển khai đồng bộ, kịp thời. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong toàn đảng bộ. Các chỉ tiêu kinh doanh toàn Khối so với cùng kỳ năm 2018 đều có sự tăng trưởng.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định: Ðảng và Nhà nước coi doanh nghiệp nhà nước là bộ phận rất quan trọng, và kinh tế nhà nước là chủ đạo. Ðảng ủy Khối cũng như các đảng bộ trong Khối đã cố gắng khắc phục khó khăn và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của Khối các doanh nghiệp nhà nước, thể hiện rõ vai trò chủ đạo trong các lĩnh vực kinh tế then chốt, dẫn dắt nền kinh tế phát triển. Ðồng chí đề nghị, sáu tháng cuối năm 2019, Ðảng ủy Khối, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng cần bám sát, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Ðẩy mạnh tuyên truyền về doanh nghiệp nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp trong Khối.
* Chiều 26-7, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra phiên họp của Ủy ban Quốc gia Ðổi mới giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) giai đoạn 2016 - 2021 và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021. Phó Thủ tướng VŨ ÐỨC ÐAM, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ðổi mới Giáo dục và Ðào tạo giai đoạn 2016 - 2021, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021, chủ trì Phiên họp tập trung thảo luận về công tác giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh phổ thông.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực. Mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều, trong khi mục tiêu dạy người vẫn còn bị xem nhẹ. Một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc, lo lắng cho xã hội... Ðể khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên, thời gian tới Bộ GD và ÐT tiếp tục quán triệt, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp, đồng thời đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội thực hiện chuyên đề giám sát giáo dục đạo đức, lối sống; đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, trong đó quy định rõ trách nhiệm liên quan của các bộ, ngành, chính quyền địa phương.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho rằng, sự suy thoái đạo đức, lối sống ở ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục được biểu hiện rõ qua bạo lực học đường, tiêu cực trong chấm điểm, dạy thêm, học thêm không đúng, học để thu tiền, học được điểm cao... Do vậy, cần có những giải pháp cụ thể để ngăn chặn những suy thoái đó. Bộ GD và ÐT cũng như các cơ sở giáo dục ngay trong năm học mới cần làm tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đối với học sinh cần tiếp tục thực hiện "tiên học lễ, hậu học văn"; thi đua dạy tốt, học tốt; thực hiện Năm điều Bác Hồ dạy, nhưng ngay cả với các thầy, cô giáo cũng phải khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Những gì trái quy định phải đấu tranh loại bỏ, cá nhân vi phạm xử lý nghiêm. Ðồng thời, cần thay đổi cơ cấu, coi các trường học là thiết chế quản lý, quản trị bởi chính quyền, ban giám hiệu và tập thể giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh...