Hoạt động của Plug and Play ở Đông Nam Á không thể trọn vẹn nếu thiếu Việt Nam
Ông Jojo Flores, nhà đồng sáng lập của Vườn ươm doanh nghiệp Plug and Play ở Thung lũng Silicon, đã tham gia ba buổi gặp gỡ và làm việc tại TPHCM trong tuần qua liên quan đến việc hình thành hệ sinh thái sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp nơi các tài năng trẻ, và tìm kiếm cơ hội kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp (satrtup) Việt Nam với các tập đoàn trên thế giới. Ông trò chuyện với Kinh tế Sài Gòn Online về tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sau các cuộc hội thảo.
KTSG Online: Với câu hỏi đầu tiên, chúng tôi muốn biết kỳ vọng của ông khi đến với Việt Nam. Ông có cho rằng Việt Nam là một miền đất mới cho khởi nghiệp và sáng tạo với những cơ hội đang mở ra khi xem xét tình hình kinh tế hiện nay cũng như môi trường chính sách của đất nước?
– Ông Jojo Flores: Tôi kỳ vọng rất cao về thị trường Việt Nam do nhiều yếu tố mà tôi quan sát thấy. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng 6-7% mỗi năm, giúp mở rộng tầng lớp trung lưu, sức mua tăng, và nhu cầu cao hơn đối với các sản phẩm công nghệ. Việt Nam là một thị trường lớn với dân số trẻ mà tôi tin là rất rành công nghệ. Việt Nam cũng có mức phát triển khá cao về kết nối internet và di động, nếu tôi không lầm là khoảng 70%, phù hợp cho việc phát triển thương mại điện tử và các nền tảng số. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam nhận ra rằng công nghệ và tinh thần doanh nghiệp có những vai trò rất quan trọng trong việc phát triển đất nước. Do vậy, tôi háo hức tìm hiểu xem chúng tôi có thể tham dự vào và hợp tác để đẩy nhanh quá trình này như thế nào.
KTSG Online: Chúng tôi được biết ông sinh ra và trưởng thành tại Philippines, đã tìm cách thúc đẩy khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp tại quê hương mình. Ông có thấy nhiều tương thích giữa Philippines và Việt Nam ở các lĩnh vực như tinh thần doanh nghiệp hay môi trường chinh sách cho phát triển kinh doanh?
– Vâng, tôi sinh ra và học hành tại Philippines. Tuy nhiên, hầu hết cuộc sống chuyên môn và kinh doanh của tôi là ở Thung lũng Silicon và châu Âu. Philippines và Việt Nam là những thị trường tương đồng, nhưng tôi phải thừa nhận rằng Việt Nam đã có những bước nhảy vọt trong 10 năm qua. Xin chúc mừng các bạn đã sử dụng nhân tài và công nghệ để tạo ra điều này. Các điều kiện thị trường của hai nước cũng rất giống nhau, nếu không nói là đồng nhất. Nhưng Philippines có một lợi thế nhỏ liên quan đến tiếng Anh. Một điều chắc chắn là những công ty công nghệ lớn của chúng ta chưa trở thành những công ty tầm quốc tế. Chúng vẫn là các công ty nội địa, và tôi nghĩ lúc này là cơ hội để cả hai nước nỗ lực thay đổi.
KTSG Online: Ở Đông Nam Á, Singapore có nhiều nhất các doanh nghiệp khởi nghiệp đạt đến tầm kỳ lân, với con số là 25, trong khi Việt Nam chỉ có 4. Xin ông so sánh hai nền kinh tế ở khía cạnh này. Và theo ông, đâu là những cản trở chính trong việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp, phải chăng là hành lang pháp lý, tư duy của người dân, hay trình độ phát triển kinh tế?
– Tôi tin rằng các hoạt động chính yếu ở Singapore tạo nên thành công trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp xuất phát từ các sáng kiến và chương trình của chính phủ, sự tập trung vào công nghệ và tinh thần doanh nghiệp trong giáo dục đại học, và sự hợp tác của khu vực tư nhân với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các nước Đông Nam Á khác nên học hỏi và áp dụng những gì Singapore đã làm trong 15 năm qua. Chính phủ Singapore, ngay từ rất sớm và hiện vẫn đang tiếp tục, có rất nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Chẳng hạn như Plug and Play hợp tác tích cực với tổ chức Enterprise Singapore để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thị trường thế giới. Ở lĩnh vực giáo dục, Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Nanyang chẳng hạn đã mạnh mẽ thúc đẩy và hỗ trợ tinh thần doanh nghiệp thông qua các chương trình quốc tế tại Thung lũng Silicon. Và ở khu vực tư nhân, các công ty lớn có các đội ngũ đổi mới sáng tạo đi tìm kiếm và tích cực tương tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp, giới thiệu cho họ các ý tưởng khả thi và các cơ hội đầu tư. Ở khía cạnh này, Văn phòng Plug and Play APAC (phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương) hiện nay đang làm việc với gần 50 tập đoàn đa quốc gia.
KTSG Online: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam khá cao, khoảng 27,7 tỉ đô la Mỹ năm 2022, nhưng phần lớn chuyển vào lĩnh vực sản xuất hay bất động sản, trong khi đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ ít hơn nhiều. Theo ông điều này phải chăng là hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đang diễn ra chậm?
– Năm ngoái tôi có ăn tối với một doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam ở TPHCM. Tôi không có dữ liệu để xác thực thông tin của anh ta, nhưng anh ấy nói rằng ít nhất 1.000 công ty thế hệ web 3.0 (công nghệ Internet mới nhất) ở Việt Nam đã huy động vốn tối thiểu một triệu đô-la Mỹ mỗi đơn vị trong vòng 2-3 năm qua. Tôi không cho rằng con số 1 tỷ đô-la này đến từ FDI. Con số này thật sự đáng nể theo tiêu chuẩn thế giới. Do vậy, tôi thật sự không nghĩ rằng hoạt động khởi nghiệp có thể xem là chậm. Tuy nhiên, bước kế tiếp là tiếp tục gia tăng con số đó và gia tăng giá trị bằng cách giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và toàn cầu hóa.
KTSG Online: Một con số có liên quan là đầu tư gián tiếp ở Việt Nam, với tổng số là 5,7 tỉ đô la Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2022, giảm đến 35% so cùng kỳ. Liệu việc suy giảm này có cảnh báo điều gì đáng lo về môi trường khởi nghiệp ở đây không?
– Bức tranh khởi nghiệp toàn cầu thật ra đang trải qua một vài va vấp. Chúng ta đã thấy sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX và mùa đông của tiền kỹ thuật số. Gần đây chúng ta cũng gặp vấn đề với Ngân hàng SV Bank. Những sự cố này hiển nhiên khiến mọi người thắt chặt hầu bao. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là lần đầu. Nó sẽ lại xảy ra. Điều quan trọng là biết cách điều chỉnh tư duy và cách ứng xử trong các điều kiện đó. Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần duy trì tiền mặt thật nhiều. Cần phải tập trung vào việc giữ dòng tiền dương, và có một lối đi rõ ràng dẫn đến lợi nhuận. Cuối cùng, đây là thời điểm các nhà sáng lập cần biết lãnh đạo và tạo cảm hứng cho đội ngũ, giữ đầu óc và cảm xúc vững vàng.
KTSG Online: Rõ ràng là việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đòi hỏi việc chấp nhận rủi ro và một tư duy đổi mới, nhưng các đặc điểm này không dễ phát huy. Là một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm tại vườm ươm doanh nghiệp lớn nhất thế giới, theo ông đâu là những cách thức để giúp các tài năng trẻ, đặc biệt là sinh viên, vượt qua nỗi sợ thất bại và ngăn ngừa văn hóa loại trừ rủi ro?
– Tôi đồng ý, điều anh đang nói quả thật là rất khó. Nhiều sáng lập viên doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, là những người sáng lập lần đầu. Họ còn trẻ và chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Mọi sự dễ hơn đôi chút ở Thung lũng Silicon, vì văn hóa ở đó không e ngại thất bại. Đó là một phần của cuộc chơi. Những nhà sáng lập trẻ ở đó lớn lên với lối suy nghĩ này. Đầu óc và cảm xúc của người trẻ dễ bị tác động. Do vậy, cần phải truyền cảm hứng cho họ với các câu chuyện thực tế gần gũi. Cần minh họa cho con cái về sự thành công. Hãy tôn vinh các cá nhân và công ty như thế, và khuyến khích con cái kể lại những câu chuyện đó ở trường học. Thật thú vị là Tổng thống Widodo của Indonesia đã bổ nhiệm Nadiem Makarim, đồng sáng lập Gojek, làm Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa. Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra với hệ sinh thái khởi nghiệp của Indonesia sau động thái này?
KTSG Online: Plug and Play đã giúp hàng chục ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp kết nối với hàng trăm tập đoàn và các quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là ở Thung lũng Silicon. Ông thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư thế giới với các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thế nào?
– Việt Nam và khu vực Đông Nam Á khá xa Thung lũng Silicon. Nhưng Thung lũng Silicon không phải là nguồn lực duy nhất có sẵn để hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp ở khu vực Đông Nam Á. Tôi cảm nhận rằng chúng ta có nhiều nguồn lực ở đây dưới hình thức nhân tài, khách hàng, nguồn tài trợ, và cả các đối tác kinh doanh. Điều chúng ta cần học hỏi từ Thung lũng Silicon là các thực hành tốt nhất của họ, hoặc phần mềm họ sử dụng. Tôi không nghĩ rằng chúng ta thiếu phần cứng để có thể thành công. Đó là nhiệm vụ của chúng tôi ở Plug and Play. Hãy tạo ra nền tảng tương tự ở Việt Nam và Đông Nam Á để kiến tạo cho sự hợp tác mở giữa mọi thành phần – cộng đồng khởi nghiệp, các trường đại học, chính phủ, các nhà đầu tư, các bậc thầy và chuyên gia, và các tập đoàn. Và khi chúng ta có thể tạo dựng nền tảng này, cộng đồng quốc tế sẽ tham gia và đồng hành cùng chúng ta.
KTSG Online: Một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mang tính quyết định cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, và điều này cũng phù hợp với mục tiêu của Plug and Play là thúc đầy đổi mới sáng tạo để tăng tốc. Ông có những gợi ý gì cho Việt Nam để phát triển một hệ sinh thái như vậy?
– Giống như một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, nó phải có thị trường thích hợp cho sản phẩm. Sản phẩm là kết quả của nhu cầu thị trường. Chuyến đi của tôi đến TPHCM lần này một phần cũng nhằm tìm hiểu điều đó. Đó là lý do tôi gặp gỡ các quan chức chính phủ và các công ty lớn. Tôi muốn tìm hiểu lộ trình của Việt Nam trong việc phát triển kinh doanh và tạo ra giá trị. Phải chăng là nông nghiệp, thủy sản, du lịch-khách sạn, sản xuất công nghiệp? Và để đảm bảo những lĩnh vực này thích ứng trong tương lai thì đâu là những trục trặc hay khoảng trống công nghệ mà Việt Nam đang đối mặt, cần hỗ trợ hay vượt qua? Một khi xác định được các cơ hội, Plug and Play có thể làm điều thần kỳ của mình. Chúng tôi có thể mang đến các bí quyết về các chương trình và tạo ra hệ thống để tăng tốc quá trình xây dựng những công nghệ mới cho những lĩnh vực đó.
KTSG Online: Plug and Play có kế hoạch cụ thể nào về việc hiện diện ở Việt Nam để ươm tạo và kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước với các tập đoàn toàn cầu không? Và Plug and Play có kế hoạch đầu tư vào các công ty ở Việt Nam không?
– Tất cả đều có. Hoạt động của chúng tôi ở Đông Nam Á không thể trọn vẹn nếu thiếu Việt Nam. Dĩ nhiên, giá trị của Plug and Play chỉ có thể phát huy đầy đủ nếu có sự cộng tác trong nước từ các thành phần có liên quan. Chuyến đi của tôi cũng nhằm đánh giá mức độ cam kết của toàn bộ cộng đồng, và tôi hy vọng rằng có thể đạt được điều đó.