Hoạt động dịch vụ và nhà máy Trung Quốc tăng trưởng lần đầu tiên sau 4 tháng

Trung Quốc đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi đầu tiêu sau 4 tháng ảm đạm khi chỉ số PMI sản xuất chính thức trong tháng 6 đạt mức 50,2 so với 49,6 vào tháng 5 và PMI dịch vụ chính thức của tháng 6 ở mức 54,7 so với 47,8 vào tháng 5.

Tính đến hết tháng 5, hoạt động nhà máy của Trung Quốc đã sụt giảm ba tháng liên tiếp –thời điểm mà các nhà chức trách bắt đầu dỡ bỏ lệnh cấm vận nghiêm ngặt ở Thượng Hải, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và đơn đặt hàng mới, trong khi sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ gia tăng.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế hợp lý trong quý thứ hai. Ảnh: Internet.

Vào thứ 5, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc cho biết chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất chính thức (PMI) đã tăng lên 50,2 vào tháng 6 từ mức 49,6 vào tháng 5.

Một cuộc thăm dò của Reuters dự kiến chỉ số PMI sẽ ở mức 50,5, cao hơn mốc 50 điểm, điều này đã ngăn chặn sự sụt giảm và tạo ra mức tăng trưởng hàng tháng cho Trung Quốc.

Mặc dù hoạt động ở Trung Quốc đang đạt được đà tăng trưởng sau các đợt khóa Covid kéo dài vào tháng 4 và tháng 5, nhưng những khó khăn bao gồm thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, chi tiêu của người tiêu dùng thấp và lo sợ về bất kỳ làn sóng lây nhiễm tái diễn nào, vẫn tồn tại.

Thượng Hải, nằm ở trung tâm của khu vực sản xuất đồng bằng sông Dương Tử, đã kết thúc việc đóng cửa toàn thành phố vào ngày 1 tháng 6, cho phép các nhà máy nhỏ trong khu vực hoạt động trở lại sản xuất. Tuy nhiên, các quy tắc về cách ly xã hội như quy định về ăn uống tại nhà hàng vẫn được áp dụng trong suốt tháng 6.

Chỉ số phụ về sản xuất đứng ở mức 52,8 – mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2021, trong khi các đơn đặt hàng mới cũng cho thấy dấu hiệu hồi phục lần đầu tiên sau bốn tháng, mặc dù tăng trưởng vẫn còn yếu.

Zhu Hong, chuyên gia thống kê cấp cao của NBS cho biết: “Mặc dù lĩnh vực sản xuất tiếp tục phục hồi trong tháng này nhưng cầu thị trường yếu vẫn là vấn đề chính mà ngành sản xuất phải đối mặt.”

Sau hai năm xuất khẩu kỷ lục, các nhà sản xuất Trung Quốc đang vật lộn với giá nguyên liệu thô cao, tỷ suất lợi nhuận giảm, cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài và nhu cầu toàn cầu chậm lại.

Chỉ số PMI phi sản xuất chính thức trong tháng 6 đã cải thiện từ 47,8 trong tháng 5 lên lên 54,7. Ngành dịch vụ đã có một sự phục hồi ấn tượng với tốc độ tăng nhanh nhất trong 13 tháng qua khi các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế Covid đã bắt kịp được với nhu cầu suy giảm trước đó.

Để ổn định tăng trưởng và kiềm chế tỷ lệ thất nghiệp, Quốc vụ viện Trung Quốc gần đây đã công bố một gói các biện pháp hỗ trợ kinh tế rộng rãi. Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba của mình trong Đại hội Đảng lần thứ 20 vào mùa thu năm nay.

Các nhà phân tích cho rằng mục tiêu GDP chính thức khoảng 5,5% cho năm nay của Trung Quốc sẽ khó đạt được nếu chính phủ không từ bỏ chiến lược Zero-Covid.

Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế hợp lý trong quý thứ hai, mặc dù một số nhà kinh tế khu vực tư nhân dự kiến nền kinh tế sẽ giảm trong quý 4-6 so với một năm trước đó, so với mức tăng trưởng 4,8% của quý đầu tiên.

PMI tổng hợp chính thức của Trung Quốc, bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ, đứng ở mức 54,1, cao hơn so với mức 48,4 vào tháng 5.

Huy Hoàng (Theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoat-dong-dich-vu-va-nha-may-trung-quoc-tang-truong-lan-dau-tien-sau-4-thang-post202008.html