Hoạt động du lịch có trách nhiệm phải bảo vệ các giá trị di sản
Đó là ý kiến được nhấn mạnh tại buổi tọa đàm 'du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã' vừa diễn ra
Sự kiện do Vườn Quốc Gia (VQG) Cát Tiên cùng Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tổ chức thu hút gần 40 doanh nghiệp gồm các công ty lữ hành, khách sạn.
Tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Hoa Quân, Phó trưởng phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia nhấn mạnh, để du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn động vật hoang dã và thiên nhiên, các hoạt động du lịch phải vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa tạo sinh kế và thu nhập cho cộng đồng. Các hoạt động du lịch phải góp phần bảo vệ các giá trị di sản, bảo tồn các hệ sinh thái, giảm xả thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên.
“Ngành Du lịch đang hướng đến các hoạt động du lịch có trách nhiệm, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường; đồng thời, khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong ngành Du lịch tích cực tham gia bảo vệ các loài động vật hoang dã của Việt Nam và trên thế giới”, ông Quân chia sẻ.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, đại diện WWF cho biết, hiện có khoảng 30% khách đi du lịch có hành vi tiêu thụ động vật hoang dã. Do vậy, để thay đổi hành vi tiêu thụ này, các công ty du lịch, lữ hành, vận tải đóng vai trò rất quan trọng để ngăn chặn hành vi này.
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cả nước hiện có 33 vườn quốc gia, 57 khu dự trữ thiên nhiên, 13 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 53 khu bảo vệ cảnh quan và 9 khu dự trữ sinh quyển.
Nằm trong hệ thống khu bảo tồn có hệ sinh thái phong phú và tính đa dạng sinh học, VQG Cát Tiên là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch. Bên cạnh hoạt động bảo tồn và cứu hộ động vật hoang dã, nơi đây còn là địa điểm giáo dục môi trường để mỗi du khách đến đây được tìm hiểu thiên nhiên và từ đó thay đổi cách ứng xử với môi trường.
Theo ông Nguyễn Đình Quốc Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ (VQG Cát Tiên), việc cân bằng phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học luôn được VQG Cát Tiên chú trọng.
“Hoạt động du lịch ở đây được đảm bảo bằng các quy chế quản lý du khách bao gồm các quy định về xử lý rác thải, quản lý tiếng ồn tại các khu vực và điểm đến không làm ảnh hưởng động vật hoang dã và môi trường, quản lý số lượng khách tham quan với nhiều trạm kiểm lâm và cán bộ tuần tra bảo vệ”, ông Việt trình bày.
Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp, công ty du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và vùng lân cận đã ký cam kết chung tay bảo tồn động vật hoang dã với các hành động không tiêu thụ, mua bán, biếu tặng các sản phẩm động vật hoang dã, không tham gia cung cấp, tàng trữ, nuôi nhốt, vận chuyển động vật hoang dã. Ngoài ra các doanh nghiệp giữ vai trò truyền tải thông điệp bảo tồn động vật hoang dã đến du khách và nhân viên của mình.
Gần 40 doanh nghiệp cùng cam kết “Không tiêu thụ, mua bán, biếu tặng các loài động vật hoang dã trái pháp luật, đặc biệt là thịt thú rừng và chim hoang dã”.