Hoạt động khoa học và công nghệ bám sát nhu cầu thực tiễn, gắn với địa chỉ ứng dụng
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh, chỉ đạo, nhất là việc xây dựng và triển khai, thực hiện các chương trình, chính sách đặc thù của tỉnh trên lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo. Nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và các dự án ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), công nghệ thông minh,… được triển khai, nhân rộng, góp phần tăng trưởng KT-XH của địa phương.
Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2022, hoạt động KH&CN đã vượt qua khó khăn, thách thức từ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngành KH&CN tiếp tục đạt những thành tựu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, Sở KH&CN đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Điển hình như hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ; hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; kế hoạch KHCN và đổi mới sáng tạo;… Nhìn chung, công tác tham mưu kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển KH&CN ở địa phương.
Trong năm 2022, Sở triển khai 9 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 5 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở và các nhiệm vụ chuyển tiếp của năm 2021 với kinh phí 16,8 tỉ đồng. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai mang lại hiệu quả KT-XH như nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế trên một số sản phẩm chủ lực và triển khai chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025. Riêng đối với lĩnh vực y tế, phòng, chống dịch bệnh, Sở KH&CN phối hợp Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Long An triển khai đề tài “Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Long An”.
Đồng thời, Sở KH&CN triển khai Kế hoạch số 230/KH-SKHCN, ngày 15/3/2022 về thực hiện chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu ƯDCNC, công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, các đơn vị trực thuộc Sở triển khai đề tài “Thực nghiệm mô hình ương lươn từ bột lên giống và nuôi thương phẩm tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An”; “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ 4.0 tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An”; “Thử nghiệm mô hình trồng tràm Trà (Melaleuca alternifolia) và tràm Năm Gân (Melaleuca quinquenervia) tại Trạm nghiên cứu ứng dụng KHCN Đồng Tháp Mười”;…
Đối với hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ, trong năm 2022, Sở triển khai, hỗ trợ DN, tổ chức đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, Sở hỗ trợ Công ty Cổ phần Cơ khí chế tạo máy Long An thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng công nghệ thông khí và bảo quản lạnh cho modul bảo quản lúa chất lượng cao”; hỗ trợ Công ty Cổ phần Dược liệu Mecola thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở “Hoàn thiện và phát triển sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học của DN KH&CN Mecola”.
Tạo lập môi trường đổi mới sáng tạo
Để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo, năm 2022, Sở KH&CN triển khai Đề án và ra mắt “Không gian khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Long An”. Sở phối hợp Tạp chí Diễn đàn DN trực thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp khu vực phía Nam tổ chức các khóa đào tạo “Nâng cao nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; “Tư duy về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, “Hướng dẫn kỹ năng mềm cho khởi sự DN”. Thời gian qua, Sở KH&CN cũng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, giao lưu với doanh nhân nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ triển khai, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó, tạo động lực mới, đóng góp tích cực vào quá trình hoạt động và phát triển của DN đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; tạo sự liên kết giữa DN với DN, giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước, từng bước xây dựng mạng lưới kết nối, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
"Năm 2023, ngành KH&CN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung đổi mới công tác quản lý KH&CN theo hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, gắn với địa chỉ ứng dụng. Bên cạnh đó, Sở KH&CN đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ các chương trình, đề án trọng điểm, đột phá của tỉnh; các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN mang tính cấp thiết, phục vụ sản xuất, đời sống thích ứng với biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh và xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nhân rộng kết quả nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống".
Sở KH&CN cũng quan tâm hỗ trợ thúc đẩy hoạt động phát triển thị trường KH&CN thông qua việc giới thiệu công nghệ mới, tham gia các sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ; thông tin công nghệ; triển khai đa dạng các hoạt động hỗ trợ DN, tổ chức KH&CN như tổ chức đào tạo nghiệp vụ Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; tổ chức đào tạo nghiệp vụ đo lường năm 2022; hội thảo cải tiến quá trình thông qua Mô hình Lean Six Sigma; hội nghị phổ biến, hướng dẫn văn bản pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng năm 2022; Hội thảo triển khai Đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ DN;…
Trên lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ địa phương, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để xác lập, bảo hộ và phát triển thương hiệu; thông qua xây dựng Kế hoạch thực hiện hỗ trợ xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sáng tạo và nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Sở xúc tiến thực hiện các đề tài “Tạo lập, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý Bến Lức Long An cho quả chanh không hạt tỉnh Long An, “Tạo lập, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý Bến Kè cho củ khoai mỡ của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An”, “Tạo lập, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận nếp Thủ Thừa cho sản phẩm nếp của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An”. Ngoài ra, Sở còn thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Trong năm 2022, Sở KH&CN đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 46 nhãn hiệu thông thường, 3 kiểu dáng công nghiệp, 1 quyền tác giả và các thủ tục pháp lý liên quan; hỗ trợ 8 hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các đặc sản của tỉnh.
Năm 2023, ngành KH&CN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung đổi mới công tác quản lý KH&CN theo hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, gắn với địa chỉ ứng dụng. Bên cạnh đó, Sở KH&CN đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ các chương trình, đề án trọng điểm, đột phá của tỉnh; các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN mang tính cấp thiết, phục vụ sản xuất, đời sống thích ứng với biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh và xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nhân rộng kết quả nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống./.