Hoạt động lập pháp đáp ứng linh hoạt, kịp thời các yêu cầu của cuộc sống
Lập pháp là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội. Từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, hoạt động lập pháp ngày càng được đổi mới, tăng cường và đẩy mạnh; thể hiện được sự linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tế cuộc sống đặt ra.
Giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra
Chức năng lập pháp của Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và được quy định cụ thể trong các Luật tổ chức Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trong các văn bản pháp luật khác. Từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh. Số lượng các văn bản pháp luật được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng nhiều, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,…
Kế thừa và phát huy thành tựu của các nhiệm kỳ trước, hoạt động lập pháp tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tiếp tục được đổi mới với nhiều dấu ấn nổi bật như: Tính chủ động trong công tác lập pháp được tăng cường; hoạt động lập pháp đáp ứng linh hoạt, kịp thời thời các yêu cầu của cuộc sống; số lượng các luật, nghị quyết thông qua tại các kỳ họp được tăng lên; kịp thời thể hiện những định hướng mới trong công tác lập pháp;... Bên cạnh đó, từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội cũng đã bao quát tương đối đầy đủ các mảng, lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lực lượng sản xuất mới trong thời đại kinh tế số, xã hội số. Những kết quả này đã góp phần quan trọng, tạo lập được hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, ổn định, chất lượng, đồng bộ, thống nhất, khả thi; thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng trước yêu cầu tình hình mới, thúc đẩy đất nước phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Bám sát thực tiễn, nâng cao hơn nữa năng lực phản ứng chính sách
Để tiếp tục đổi mới, không ngừng nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác lập pháp trong thời gian tới, TS. Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực phản ứng chính sách và giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.
Cũng theo TS. Hoàng Minh Hiếu, phải phân định rõ thẩm quyền lập pháp của Quốc hội và thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các cơ quan khác, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản dưới luật; cơ bản không quy định thủ tục hành chính trình tự, hồ sơ trong luật mà giao cho Chính phủ, các Bộ quy định theo thẩm quyền.
Ngoài ra, cần quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, dữ liệu lớn trong hoạt động xây dựng pháp luật. Chú trọng hiện đại hóa phương thức, phương tiện xây dựng pháp luật; bảo đảm đủ nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, xác định là nguồn lực đầu tư cho phát triển. Phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, có các chính sách thu hút, cơ chế đặc thù đối với công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách pháp luật, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Nêu quan điểm, GS. TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Ủy viên Hội đồng khoa học của UBTVQH nhấn mạnh, lập pháp là một trong những chức năng chính của Quốc hội. Hoạt động lập pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, xây dựng và ban hành thể chế pháp luật để quản trị quốc gia bằng pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Thể chế pháp luật là một nguồn lực, động lực của phát triển đất nước. Để phát huy vai trò của lập pháp Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Do đó, GS. TS. Võ Khánh Vinh kiến nghị, cần đẩy nhanh vững chắc, có cơ sở khoa học việc xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Theo đó, hoạt động lập pháp phải tập trung vào các lĩnh vực, vấn đề đột phá, trọng điểm cần đầu tư để đổi mới sáng tạo pháp luật.
Để đáp ứng yêu cầu này, đòi hỏi phải có chính sách hoàn thiện pháp luật tổng thể, chính sách hoàn thiện pháp luật về từng lĩnh vực cụ thể, tập trung mọi nguồn lực, xác định và đề cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tương ứng, xây dựng chương trình xây dựng pháp luật phù hợp.
GS. TS. Võ Khánh Vinh cũng lưu ý, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả theo hướng quy định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách, phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật; phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng pháp luật; hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, giải trình và tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm đồng bộ, kịp thời trong xây dựng chính sách, pháp luật giữa Quốc hội với Chính phủ, giữa các bộ, giữa Trung ương và địa phương .
Cùng quan điểm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng đổi mới qua các nhiệm kỳ. Ấn tượng với nhiều dấu ấn tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đặc biệt công tác lập pháp đã có sự phản ứng kịp thời, linh hoạt với những tình huống mới đặt ra, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc đề xuất, cần chú trọng, bảo đảm cơ sở khoa học, tính chặt chẽ, khả thi trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/goc-nhin.aspx?itemid=91929