Hoạt động M&A thấp nhất trong 20 năm
Số lượng hợp đồng M&A trên toàn thế giới trong tháng 4/2025 chỉ đạt 2.330 thương vụ, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2005 và cũng thấp hơn 34% so với mức trung bình hàng tháng lịch sử.

Hoạt động M&A thấp nhất trong 20 năm. Ảnh minh họa: eurocomms.com
Giới ngân hàng từng kỳ vọng năm 2025 sẽ là một năm rực rỡ cho hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) dưới thời một Tổng thống Mỹ ủng hộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế lại rất khác.
Nhiều thương vụ đã bị trì hoãn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump châm ngòi cuộc chiến thương mại toàn cầu vào ngày 2/4. Số lượng thương vụ được ký kết thậm chí còn ít hơn cả những giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Theo dữ liệu do nền tảng thị trường tài chính Dealogic tổng hợp, số lượng hợp đồng M&A được công bố trên toàn thế giới - một chỉ báo về sức khỏe kinh tế toàn cầu - trong tháng 4/2025 chỉ đạt 2.330 thương vụ. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2005 và cũng thấp hơn tới 34% so với mức trung bình hàng tháng lịch sử
Tại Mỹ - thị trường M&A lớn nhất thế giới, chỉ có 555 thương vụ được ký kết vào tháng trước. Đây là con số thấp nhất kể từ tháng 5/2009.
Một vài thương vụ lớn, bao gồm công ty công nghệ tài chính Global Payments chi 24,25 tỷ USD mua lại một công ty xử lý thẻ và dịch vụ tài khoản vào tháng Tư đã phần nào xoa dịu một khởi đầu năm khá ảm đạm. Tuy nhiên, điều đó không đủ để ngăn giá trị hoạt động M&A toàn cầu giảm xuống còn 243 tỷ USD, thấp hơn khoảng 54% so với tháng Ba và 20% so với mức trung bình hàng tháng trong 20 năm qua.
Sự kiện mà ông Trump gọi là "Ngày Giải phóng" đã khiến thị trường toàn cầu lao dốc. Một loạt các Giám đốc điều hành (CEO) đã phải rút lại kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Tình hình bất ổn cũng khiến các chủ ngân hàng, những người có thu nhập từ phí và khoản thưởng khi thực hiện các giao dịch, khuyến nghị khách hàng trì hoãn các thương vụ M&A và IPO cho đến khi chính sách của Mỹ rõ ràng và nhất quán hơn.
Ông Lorenzo Paoletti, Giám đốc phụ trách mảng ngân hàng đầu tư của công ty dịch vụ tài chính Truist Securities, cho hay các CEO và Giám đốc tài chính (CFO) chưa hoàn toàn hiểu rõ thuế quan sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào. Vì vậy, tốt hơn là họ nên giữ tiền mặt cho đến khi tình hình ổn định hơn.
Nhà phân tích Lisa Shalett của ngân hàng Morgan Stanley cho biết, những tuyên bố thay đổi liên tục từ Nhà Trắng về chính sách thuế quan đã khiến biến động thị trường tăng vọt lên mức lịch sử trong tháng Tư. Những lời đe dọa của ông Trump về việc sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell càng làm gia tăng căng thẳng trên thị trường.
Dù vậy, những bất ổn này ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp theo những cách khác nhau.
Có một điểm sáng cho M&A tháng trước là các thương vụ công nghệ, nơi giá trị nằm nhiều hơn ở tài sản trí tuệ như thuật toán và phần mềm hơn là hàng hóa hữu hình chịu thuế quan như ô tô. Ngành công nghệ chiếm gần 40% trong tổng số gần 600 tỷ USD giá trị các thương vụ được ký kết từ đầu năm tới nay tại Mỹ.
Ông Kevin Cox, Giám đốc M&A toàn cầu tại ngân hàng Citi, cho biết các lĩnh vực như viễn thông, truyền thông, dịch vụ, dầu khí và tiện ích ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan hơn. Ngược lại, một số lĩnh vực công nghiệp, y tế và công nghệ đang đối mặt với những thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh.
Theo ông Cox, bất kỳ nhà sản xuất nào, dù nhập khẩu nguyên liệu đầu vào hay xuất khẩu thành phẩm, đều sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Phía mua cần dành thời gian để hiểu rõ những rủi ro bổ sung trong mô hình kinh doanh và lợi nhuận kỳ vọng của đối tượng mục tiêu, hoặc lùi lại và chờ đợi cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng hơn./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hoat-dong-m-a-thap-nhat-trong-20-nam/372714.html