Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) như những con sóng ngầm
Nhiều lý do khiến nhiều thương vụ M&A chưa đi đến được hồi kết để trở thành công khai. Dẫu vậy, 'nhộn nhịp' là hình ảnh có thể kỳ vọng với thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới.
Ngày 27/11, Báo Đầu tư tổ chức Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam lần thứ 16 với chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ”.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn cho biết, theo một số tổ chức tư vấn và nghiên cứu quốc tế, thị trường M&A toàn cầu năm 2023 được coi là một thị trường “con gấu” tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ qua. Nguyên nhân chính được quy về sự bất ổn địa chính trị và sự sa sút kinh tế toàn cầu, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể cả về giá trị và khối lượng giao dịch.
Bước sang năm 2024, bất chấp những hy vọng về một sự khởi sắc, thậm chí là bùng nổ, hoạt động M&A vẫn tiếp tục thể hiện giống như một “vở diễn” buồn tẻ. Minh chứng là nửa đầu năm nay, giá trị các thương vụ có ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ. Song khối lượng giao dịch lại đi theo chiều ngược lại so với cùng kỳ năm ngoái. Vài tháng gần đây, bức tranh chung dẫu có thêm một số điểm sáng, nhưng chưa thể coi là dấu hiệu khẳng định cho một sự bứt phá trong tương lai gần.
Còn ở trong nước, việc nhiều thương vụ M&A được công bố từ đầu năm đến nay, dù không có quả “bom tấn” nào nhưng trong chừng mực nào đó có thể nói đã mang đến một sự hứng khởi về một thị trường nhộn nhịp trở lại sau một năm khá ảm đạm.
Tuy vậy, nếu chỉ bằng các con số về cả số lượng và giá trị các thương vụ được công bố, và so với giai đoạn đỉnh cao vài năm trước, phải chăng dùng “nhộn nhịp” để mô tả thị trường M&A Việt Nam là vẫn còn hơi sớm?
Theo ông Lê Trọng Minh, mặt hồ lặng sóng không có nghĩa là không có sóng. Và chỉ khi nhìn thấy kết quả, người ta mới nhận ra được sự tồn tại và cảm nhận được sức mạnh thực sự của những con sóng ngầm. Hoạt động M&A gần đây cũng có thể ví như những con sóng ngầm đó.
Vì nhiều lý do khác nhau, rất nhiều thương vụ M&A chưa đi đến được hồi kết để trở thành công khai. Dẫu vậy, sức nóng từ sự nhộn nhịp của các hoạt động đàm phán, thỏa thuận đã được cảm nhận, giống như việc dự đoán sự tồn tại của những con sóng ngầm.
Sự nhộn nhịp này thậm chí còn được kỳ vọng đạt cường độ cao hơn trong thời gian tới, khi mà bức tranh thị trường toàn cầu ngày càng sáng rõ với nhu cầu mạnh mẽ hơn từ cả bên mua và bên bán. Trong khi hoạt động M&A trong nước cũng được thúc đẩy mạnh bởi hàng loạt động thái chính sách vĩ mô cũng như sự thôi thúc từ chính bản thân các doanh nghiệp.
Dẫu còn nhiều biến số từ bối cảnh địa chính trị toàn cầu, “Nếu có một điều chắc chắn trong những điều không chắc chắn thì đó chính là hoạt động M&A sẽ lại bật lên, dù có thể nhanh hơn ở một số lĩnh vực này và chậm hơn ở một số khác” như cách diễn đạt của một vị chuyên gia cao cấp tại PwC.
“Nhộn nhịp là hình ảnh hoàn toàn có thể kỳ vọng với thị trường M&A Việt Nam. Vấn đề chỉ còn là thời điểm”, ông Lê Trọng Minh nói và cho biết, qua các nội dung thảo luận, phân tích của các vị chuyên gia ở Diễn đàn, chúng ta hy vọng sẽ hình dung được tác động từ những động thái lớn trong bức tranh vĩ mô trong và ngoài nước, các xu hướng lớn trên toàn cầu và dòng vốn quốc tế lên mức độ sôi động của thị trường M&A Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Đồng thời, những câu chuyện thực tiễn được chia sẻ bởi chính những người trong cuộc tại Diễn đàn này có thể sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp quan tâm giải mã nhu cầu và chiến lược thành công trong các thương vụ M&A.
Đó cũng là nội dung chính 2 phiên thảo luận của Diễn đàn M&A Việt Nam 2024.