Hoạt động ngoại khóa: Cần thiết nhưng liệu có thiết thực?

Hoạt động ngoại khóa như đi dã ngoại, trải nghiệm kết hợp tham quan, du lịch… ngày càng 'nở rộ' nhất là dịp hè về. Có thể nói hoạt động ngoại khóa cũng mang đến nhiều ý nghĩa bổ ích cho các em học sinh, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và là nỗi lo lắng của cha mẹ mỗi khi cho con đi dã ngoại.

Đây được xem là hoạt động không thể thiếu trong chương trình giáo dục, giúp học sinh có thời gian “thoát li” khỏi thế giới sách vở, lý thuyết khô khan để hòa mình với thiên nhiên, cuộc sống. Các địa điểm như: Khu di tích Lam Kinh, Nông trại Golden Cow, Xứ Thanh Eco-villa, Làng cổ Đông Sơn,… nơi được nhiều trường trên địa bàn tỉnh lựa chọn cho học sinh tham gia trải nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng xã hội, tăng cường sức khỏe thể chất, cũng như kinh nghiệm quý báu, bổ ích.

Một buổi ngoại khóa cùa học sinh Trường THCS Đông Vệ tại Khu Di tích Lịch sử Lam Kinh.

Một buổi ngoại khóa cùa học sinh Trường THCS Đông Vệ tại Khu Di tích Lịch sử Lam Kinh.

Một vài năm trở lại đây, đã có không ít vụ tai nạn hay ngộ độc thức ăn tập thể xảy ra khiến phụ huynh đứng ngồi không yên mỗi khi cho con đi trải nghiệm ngoại khóa do nhà trường tổ chức, đặc biệt là các khu vui chơi có sông, suối, ao hồ,... Vì đa số các em học sinh đều đang trong độ tuổi hiếu động, ham chơi, thiếu kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm; đồng thời, với số lượng học sinh tham gia quá đông thầy, cô giáo, hướng dẫn viên cũng khó kiểm soát hết, dẫn đến nguy cơ rủi ro trong những chuyến đi là khá cao.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên xảy ra tình trạng một bộ phận học sinh có triệu chứng đau bụng, nôn ói hay nghiêm trọng hơn là nhập viện sau suất ăn do nhà trường chuẩn bị gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh khi tham gia các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường.

Mặt khác, những hoạt động dã ngoại thường diễn ra vài lần trong một năm học và có mức phí cao nên không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện cho con em mình tham gia. Chưa kể, nhiều hoạt động mang nặng tính hình thức, thương mại nhiều hơn là học tập, học sinh chỉ tham gia để vui chơi nhiều hơn là trang bị kiến thức.

Các em tham gia chủ yếu là để check-in chứ ít được tham gia những trò chơi dân gian hay tìm hiểu lịch sử.

Các em tham gia chủ yếu là để check-in chứ ít được tham gia những trò chơi dân gian hay tìm hiểu lịch sử.

Chị G. (trú tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) cho hay: Nhà tôi có 2 bạn học lớp 3 và lớp 10. Đối với bạn lớn, mình cảm thấy việc con tham gia hoạt động ngoại khóa rất bổ ích vì con được trải nghiệm hoạt động thực tế tạo môi trường cho con gần giũ với bạn bè nhưng nói không lo cũng không phải vì mỗi lần xem thông tin vụ việc đáng tiếc xảy ra khi các con tham gia hoạt động ngoại khóa khiến mình dè chừng. Còn bạn nhỏ, mình chọn lựa hoạt động cho con tham gia vì ở độ tuổi của con nhiều hoạt động tổ chức không thực sự thiết thực lắm; chưa kể, còn nhỏ thì mối nguy hại sẽ còn tăng thêm.

Lứa tuổi mầm non đã cần thiết phải tham gia hoạt động làm nông?

Lứa tuổi mầm non đã cần thiết phải tham gia hoạt động làm nông?

Anh P. (trú tại phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) chia sẻ: Hoạt động ngoại khóa chỉ thực sự thiết thực nếu đấy là hoạt động phù hợp với từng lứa tuổi nhất định; ví dụ hoạt động bơi lội đồng ý giúp trẻ tăng thêm kỹ năng nhưng liệu có đảm bảo được an toàn cho con em không thì không ai dám nói trước. Với số lượng học sinh lớn, các cô giáo cũng không thể quản lý được hết cộng với sự hiếu động của trẻ lại càng khiến bậc làm phụ huynh như chúng tôi đứng ngồi không yên mỗi lần cho con tham gia. Không cho con tham gia thì sợ cháu dính lấy chiếc điện thoại cả ngày thiếu những trải nghiệm thực tế nhưng cho cháu tham gia thì sợ đủ điều.

Nhà trường cần phối hợp với công ty du lịch lên kế hoạch, lịch trình rõ ràng, khảo sát địa điểm, có sự tham gia của phụ huynh hoặc cán bộ y tế, quy mô tổ chức vừa đủ để dễ dàng kiểm soát. Đồng thời, lựa chọn chương trình phù hợp với lứa tuổi, gắn với thực tế các môn học. Cùng với phụ huynh trang bị học sinh kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm, tự bảo vệ bảo thân; kiến thức cơ bản về ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông, đuối nước,... Có như vậy, mới mang đến cho các em những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ của quãng đời học sinh.

Phú Lan

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hoat-dong-ngoai-khoa-can-thiet-nhung-lieu-co-thiet-thuc/27158.htm