Hoạt động trải nghiệm cần được trả về đúng nghĩa
Hoạt động trải nghiệm là nội dung giáo dục mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được nhiều học sinh, giáo viên hào hứng đón nhận.
Kinhtedothi - Hoạt động trải nghiệm là nội dung giáo dục mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được nhiều học sinh, giáo viên hào hứng đón nhận. Qua thực tiễn triển khai, nhất là với các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, nhiều phụ huynh còn băn khoăn về cách thức, phương thức mà các cơ sở giáo dục đang áp dụng.
Bố mẹ lo khi con đi trải nghiệm
Không gian mở, học tập xa rời bảng đen phấn trắng, gần gũi với thiên nhiên… là điều các học sinh ở cả thành thị và nông thôn đều mong muốn. Việc con được đi trải nghiệm cùng các bạn, thầy cô giáo vốn là tin vui với cả gia đình nhưng không ít phụ huynh chia sẻ rằng, họ rất lo khi biết trường con đi trải nghiệm. Ở nhiều nhà trường hiện nay, hoạt động trải nghiệm được cụ thể hóa bằng hình thức tham quan, dã ngoại.
Trong một thời điểm, trường sẽ tổ chức cho vài trăm, thậm chí cả nghìn học sinh ở các khối lớp cùng đến điểm du lịch đã chọn. Các học sinh sẽ tập kết tại trường theo đúng lịch, mỗi lớp được xếp một xe kèm giáo viên chủ nhiệm quản lớp. “Nhìn cảnh giáo viên chủ nhiệm hớt hải kiểm đếm quân số, học sinh nhốn nháo nói chuyện, nghịch ngợm, từng đoàn xe du lịch 35 chỗ, 45 chỗ rồng rắn chờ nhau rồi xuất phát, tôi thực sự rất lo không biết các con sẽ hoạt động ra sao, các thầy cô sẽ quản lí học sinh như thế nào? Nhiều tai nạn rủi ro, tình huống không ai lường được đã xảy ra khi trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm…”- phụ huynh Nguyễn Hải Phong bày tỏ.
Ngoài vấn đề an toàn thì chi phí cho các chuyến trải nghiệm cũng là nội dung khiến không ít phụ huynh trăn trở. Số tiền phải đóng sẽ tương ứng với địa điểm trải nghiệm gần hay xa, thời gian trải nghiệm dài hay ngắn. Với học sinh, thông thường các chuyến trải nghiệm sẽ có thời lượng nửa ngày, cả ngày, số ít trường tổ chức cho học sinh đi qua đêm.
“Tôi nuôi hai con ăn học khá tốn kém với tiền học chính, học thêm, học ngoại ngữ cùng các lớp năng khiếu. Do vậy, mỗi khi nghe nhà trường thông báo đi trải nghiệm, con thì vui còn bố mẹ thì lo vì khoản phí phải đóng khá nặng, phổ biến từ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng (tùy đợt)… Biết vậy, nhưng trường yêu cầu 100% học sinh phải tham gia nên dù không muốn thì vẫn phải đăng ký” - phụ huynh Nguyễn Tú Anh nói.
Các hoạt động trải nghiệm cần được lên kế hoạch và có mục tiêu rõ ràng chứ không phải đưa học sinh đi chơi mà không ai kiểm tra, đánh giá. Nếu trường chứng minh được rằng mình đang làm vì lợi ích cho con, hoàn thiện đặc điểm nhân cách của con thì phụ huynh sẵn sàng hỗ trợ chung tay. Nhưng tổ chức mà mất an toàn, xảy ra ngộ độc thực phẩm, tai nạn, cô giáo phó mặc cho bên tổ chức sự kiện, công ty du lịch sẽ mất đi ý nghĩa của hoạt động giáo dục…
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội
Cách tiếp cận và tổ chức trải nghiệm đã đúng?
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định: Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện.
Để hiểu rõ hơn về điều này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT chia sẻ: “Hoạt động trải nghiệm không phải là một môn học riêng biệt mà là hoạt động giáo dục được gắn liền và đan xen với các môn học trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ở đó học sinh sẽ được thực hành, trải nghiệm các kiến thức đã học vào thực tế và qua thực tế sẽ rèn luyện, bổ sung, củng cố thêm kiến thức. Hoạt động trải nghiệm có vai trò quyết định trong việc hình thành năng lực, phẩm chất học sinh.
Hoạt động trải nghiệm phải có chủ đề nhất định và hướng tới một sản phẩn cụ thể mà ở đó học sinh phải hành động. Khi tham gia trải nghiệm, học sinh phải tìm hiểu, phải nghe, nói, viết, hợp tác với thầy cô, bạn bè, người xung quanh, từ đó sẽ hình thành nhiều kỹ năng cần thiết mà nếu chỉ dạy trên lớp không thể có được. Muốn thiết kế hoạt động trải nghiệm thực sự có giá trị, theo PGS Nguyễn Xuân Thành, yêu cầu cao nhất nhà trường phải xây dựng kế hoạch bài bản với các chủ đề phù hợp nội dung học tập và phải yêu cầu học sinh xác định rõ nhiệm vụ cần thực hiện trước khi tham gia trải nghiệm.
Ngày 30/3, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, liên quan đến sự cố an toàn thực phẩm tại Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) hiện đã tìm ra nguyên nhân ban đầu khiến 72 học sinh nhập viện sau khi đi dã ngoại là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn. Cơ quan chuyên môn lưu ý, quận Thanh Xuân tiếp tục chỉ đạo điều tra tại bếp ăn Trường Tiểu học Kim Giang.
Thực tế cho thấy, không ít nhà trường do nhận thức chưa đúng và đầy đủ ý nghĩa, vai trò, mục tiêu của hoạt động trải nghiệm nên công tác tổ chức và triển khai hoạt động này chưa hiệu quả và giá trị.
“Sau mỗi chuyến trải nghiệm ở trường tôi thường hỏi xem con có học được gì không hay cô yêu cầu thực hiện nhiệm vụ gì thì con đều trả lời là không biết, không được gì. Cách thức tổ chức trải nghiệm của nhà trường chưa khoa học và bài bản khi không đưa ra chủ đề hoạt động, đến nơi thì các con ùa đi chơi, sau đó đi ăn rồi lên xe về…”- phụ huynh Nguyễn Thu Yến giãi bày.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, tham quan, dã ngoại chỉ là một trong nhiều hình thức hoạt động trải nghiệm. Để hoạt động trải nghiệm thực sự mang lại hiệu quả, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cần nhận thức đúng về bản chất của hoạt động này. Giáo viên bộ môn có trách nhiệm xây dựng chủ đề và nhà trường có trách nhiệm xây dựng, tổng hợp thành chuỗi chủ đề hoạt động tích hợp liên môn, phù hợp với chương trình và có thể huy động đội ngũ chuyên gia cùng nguồn lực xã hội hóa để hoạt động trải nghiệm đạt hiệu quả cao.
Hoạt động trải nghiệm vốn là một điểm sáng được đánh giá cao trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều cần thiết là các địa phương cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt cách thức tổ chức, kết quả của hoạt động; các cơ sở giáo dục cần nêu cao tinh thần vì học sinh trong tổ chức hoạt động trải nghiệm bởi nếu thực hiện khoa học, đúng cách sẽ giúp các em có nhiều cơ hội hình thành năng lực thực tiễn và phát huy tiềm năng sáng tạo.
Ngay cuối năm, nhà trường đã lên chương trình giáo dục cho năm học sau, trong đó có các chủ đề hoạt động trải nghiệm của từng tháng. Hoạt động này sẽ có sự phối hợp với nhiều lực lượng trong trường, không chỉ giáo viên chủ nhiệm mà còn có các bộ phận: Tâm lý học đường, truyền thông, tổ chuyên môn, cha mẹ học sinh cùng lên ý tưởng và tham gia thực hiện. Các chuyến trải nghiệm của trường không đơn thuần là đi dã ngoại mà còn lồng ghép chủ đề học tập, phối hợp nội dung các môn học và yêu cầu có sản phẩm, có kết quả mang về. Tại các khu vực trải nghiệm, học sinh không chơi vô định mà thực sự được tham gia vào các hoạt động giáo dục ý nghĩa dưới sự quản lý và hướng dẫn của các thầy cô. Thông thường, mỗi đợt trải nghiệm, trường tổ chức cho khoảng 150 - 200 học sinh, phân theo khối lớp, tổ bộ môn để đảm bảo chất lượng. Trong một số đợt, trường kết hợp với các đơn vị đối tác có đủ năng lực, điều kiện theo quy định; các địa điểm trải nghiệm trường chọn có thể là các công viên gần trường hoặc các địa điểm ở ngoại thành Hà Nội.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Jean Piaget (quận Cầu Giấy)
Phạm Trang Nhung
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoat-dong-trai-nghiem-can-duoc-tra-ve-dung-nghia.html