Hoạt động trekking Tà Giang: Cần quản lý và khai thác bài bản

Hoạt động trekking (đi bộ đường dài khám phá thiên nhiên) ở Tà Giang (huyện Khánh Sơn) rất có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, đến nay, việc khai thác các tour trekking Tà Giang vẫn mang tính tự phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Ngày 29-7, UBND huyện Khánh Sơn đã có báo cáo về hoạt động trekking Tà Giang, trong đó mong muốn được tạo điều kiện để đưa hoạt động này thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.

Thu hút khách du lịch

Với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, khí hậu mát mẻ, Khánh Sơn rất phù hợp để thu hút du khách yêu thiên nhiên, thích hoạt động khám phá, trải nghiệm vùng cao. Khoảng từ năm 2017, một số người ưa thích trekking đã phát hiện ra thảo nguyên Tà Giang có vẻ đẹp mê hoặc và tự lập nhóm để đi. Từ cầu Hàm Leo (xã Thành Sơn), khách đi men theo suối băng qua các cánh rừng, nhiều ngọn đồi và sông, suối, du khách đến khu vực thảo nguyên Tà Giang. Tại đây có những khu đất trống, bằng phẳng để du khách dựng lều, cắm trại nghỉ ngơi, thư giãn qua đêm thưởng thức các món ăn truyền thống của người địa phương. Những hình ảnh dòng suối trong vắt len lỏi giữa cánh rừng, con đường xuyên trảng cỏ tranh, đồi yên ngựa, bình nguyên bao la ở Tà Giang… mà các nhóm này đưa lên mạng xã hội được lan tỏa trong cộng đồng trekking, lâu dần trở thành một tour du lịch được giới trẻ ưa thích.

Một tấm hình trekking Tà Giang do La Cà Tour giới thiệu.

Một tấm hình trekking Tà Giang do La Cà Tour giới thiệu.

Theo ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, từ khoảng cuối năm 2021 trở lại đây, số lượng du khách ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước tham gia trải nghiệm hoạt động trekking Tà Giang có xu hướng ngày càng tăng. Các đơn vị như: Công ty TNHH Khám phá trải nghiệm Tổ Ong (Tổ Ong Adventure), Công ty TNHH Du lịch khám phá trải nghiệm La Cà (La Cà Tour), Công ty TNHH Khám phá Mây (Mây Adventure), Công ty TNHH Du lịch Itrek, Công ty TNHH Du lịch Tà Giang… cùng nhiều tổ chức, cá nhân khác đã đứng ra tổ chức tour trekking Tà Giang. Hiện nay, bình quân mỗi tuần có gần 200 khách đi tour trekking Tà Giang. Báo cáo của UBND huyện Khánh Sơn cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượt khách tham gia tour trekking Tà Giang khoảng 4.800 lượt, đa phần là giới trẻ. Hoạt động này đã tạo việc làm cho hơn 30 lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Thành Sơn (dẫn đường, mang vác đồ cho khách) với thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng (thù lao đi tour 2 ngày 1 đêm khoảng 1,2 triệu đồng/người).

Cần quản lý chặt chẽ

Theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, hoạt động trekking cung đường Tà Giang hội đủ các yếu tố để trở thành sản phẩm du lịch mới, độc đáo của huyện Khánh Sơn và của tỉnh. Trên thực tế, hoạt động trekking Tà Giang khá phát triển nhưng đến nay vẫn là sản phẩm du lịch tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cuối năm 2020, một nhóm khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh đi tour trekking Tà Giang đã bị mắc kẹt trong rừng do gặp phải mưa lũ kéo dài, khiến chính quyền địa phương phải huy động lực lượng giải cứu. Sự việc đó như hồi chuông cảnh báo về tính an toàn của hoạt động trekking Tà Giang... Từ đó đến nay, tuy vấn đề chuẩn hóa tour trekking Tà Giang đã nhiều lần được đề cập nhưng vẫn chưa được giải quyết tận gốc rễ. Báo cáo của UBND huyện Khánh Sơn nêu rõ: Cho đến nay, hoạt động trekking ở Tà Giang vẫn chưa có cơ sở pháp lý để hoạt động và phát triển du lịch; chưa có quy hoạch cụ thể về những vùng để xây dựng dịch vụ loại hình du lịch trekking (như: các điểm dừng chân, cung cấp thức ăn, đồ uống, chỗ cắm trại nghỉ qua đêm...); chưa có đơn vị kinh doanh được cấp phép. Cung đường trekking Tà Giang vẫn còn thiếu một số điều kiện cần thiết để phục vụ du khách, nhất là hệ thống thông tin liên lạc. Đội ngũ làm porter (dẫn đường, mang vác đồ cho khách) chưa được đào tạo kỹ năng sinh tồn trong môi trường rừng. Theo ông Cao Minh Vỹ, chính quyền địa phương rất mong muốn đưa hoạt động trekking Tà Giang thành một sản phẩm du lịch để phát huy tiềm năng du lịch của địa phương, đồng thời đảm bảo an toàn cho du khách tham gia loại hình du lịch này.

UBND huyện Khánh Sơn đề nghị UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành tham mưu để sớm khai thác hiệu quả, phát triển tour trekking Tà Giang nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Cụ thể, UBND huyện Khánh Sơn đề nghị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh cho phép Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa xây dựng phương án cho thuê rừng và môi trường rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn huyện Khánh Sơn để sử dụng và tổ chức hoạt động du lịch có liên quan đến ranh giới, phạm vi của rừng phòng hộ, hoạt động du lịch dưới tán rừng trên địa bàn huyện Khánh Sơn; quan tâm đầu tư xây dựng cung đường di chuyển toàn bộ hành trình thuộc lâm phận của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, tránh việc di chuyển qua khu vực Vườn Quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) để thuận lợi trong công tác quản lý. Sở Du lịch hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động du lịch trekking vì đây là hoạt động du lịch có điều kiện và phải được cấp phép hoạt động; tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho người dân địa phương về du lịch cộng đồng, kiến thức về du lịch, nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, hoạt động trekking cung đường Tà Giang hội đủ các yếu tố để trở thành sản phẩm du lịch mới, độc đáo của du lịch Khánh Hòa. Hoạt động này phù hợp với định hướng phát triển du lịch của huyện, tạo việc làm cho người dân địa phương nên ngành Du lịch rất ủng hộ. Tuy nhiên, đến nay, việc khai thác tour trekking Tà Giang vẫn mang tính tự phát, chưa có đơn vị nào có đủ cơ sở pháp lý để khai thác sản phẩm này. Chính vì vậy, mới đây, khi làm việc với UBND huyện Khánh Sơn về hoạt động du lịch trên địa bàn, Sở Du lịch đã yêu cầu UBND huyện Khánh Sơn chủ trì, mời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan làm việc chuyên đề về điểm đến này để tham mưu UBND tỉnh sớm có chủ trương triển khai xây dựng Đề án phát triển điểm du lịch trekking Tà Giang. Sở Du lịch cũng yêu cầu, trước mắt, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn cho khách; đồng thời đề nghị đơn vị tổ chức xây dựng phương án đưa đón khách, xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho khách, có xác nhận của chính quyền địa phương.

 Khung cảnh yên bình ở Tà Giang. Ảnh: Tổ Ong Adventure

Khung cảnh yên bình ở Tà Giang. Ảnh: Tổ Ong Adventure

Trekking - Hoạt động đi bộ đường dài trên những địa hình gồ ghề, phức tạp và thường không có lối mòn khám phá thiên nhiên hoang dã, có phần mạo hiểm... để trải nghiệm và thử thách bản thân. Theo đó, trekking được xếp vào loại hình du lịch mạo hiểm. Các đơn vị du lịch muốn khai thác tour du lịch trekking phải được cơ quan quản lý du lịch thẩm định và cấp phép.

Vấn đề hoạt động trekking Tà Giang phát triển tự phát đã được các cơ quan chức năng và báo chí phản ánh nhiều lần. Thiết nghĩ, Sở Du lịch cần sớm tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Khánh Sơn phối hợp với các sở, ngành liên quan để lập đề án khai thác sản phẩm du lịch này một cách bài bản, đúng quy định của pháp luật, tránh những vấn đề đáng tiếc xảy ra.

XUÂN THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/du-lich/202408/hoat-dong-trekking-ta-giangcan-quan-ly-va-khai-thac-bai-ban-64b7900/