Hoạt động vận chuyển rác thải phải đấu thầu hàng năm gây khó doanh nghiệp

Từ năm 2018, Đồng Nai chuyển sang đấu thầu vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt hàng năm. UBND tỉnh ban hành mức giá trần theo 3 loại hình công nghệ, trên cơ sở đó các địa phương tổ chức đấu thầu. Điều này được cho là chặt chẽ, công bằng và đúng theo Luật Ngân sách và Luật Đấu thầu, nhưng dưới góc độ của doanh nghiệp, quy định này đang làm khó cho doanh nghiệp.

Nhân viên HTX Hồng Hà (H.Long Thành) xúc rác từ bãi tập kết về nhà máy xử lý.

Dễ xảy ra rủi ro kinh doanh

Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi Lê Thị Giang cho biết, hiện các địa phương đang lựa chọn nhà thầu thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt (CTSH) bằng hình thức đấu thầu công khai rộng rãi, mỗi năm một lần. Tuy nhiên, tâm lý không chắc chắn được trúng hay không trúng thầu khiến công ty không có cơ sở tính toán đầu tư dài hạn, cải tiến các hạng mục công trình.

Do đó, công ty kiến nghị UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh quy định đấu thầu rộng rãi phù hợp với từng ngành nghề, từng loại hình công nghệ. Cùng với đó, điều chỉnh định mức đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải để doanh nghiệp (DN) có điều kiện tái đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.

Theo lý giải của các doanh nghiệp, vấn đề bất cập hiện nay là phải bỏ ra số tiền lớn đầu tư thiết bị, phương tiện hiện đại để hoạt động, thời gian thu hồi vốn mất 5-7 năm nhưng do chỉ đấu thầu, ký hợp đồng hàng năm rất dễ dẫn đến rủi ro kinh doanh.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Thương mại - dịch vụ Phú Lợi (H.Định Quán) Phan Thanh Hùng cho rằng, quy định đấu thầu và ký hợp đồng vận chuyển CTSH hàng năm khiến HTX không dám đầu tư xe ép rác chuyên dùng mà chỉ dám vay vốn Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh để mua xe theo hình thức nhỏ giọt. Hiện hoạt động kinh doanh của HTX chủ yếu duy trì việc làm cho công nhân và lấy tiền trả nợ quỹ.

“Lý do các HTX không dám bỏ vốn mua xe vì giá cao, năm nay có thể trúng thầu nhưng năm sau không trúng thầu thì không biết sử dụng xe đó vào mục đích gì” - ông Hùng bày tỏ.

Ở góc độ địa phương, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho rằng, việc mời thầu, đấu thầu, làm thủ tục thanh quyết toán hợp đồng mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn nằm ở chỗ, HTX, tổ hợp tác dịch vụ môi trường thường phải đi vay tiền để mua xe chở rác theo yêu cầu của tỉnh, trường hợp không trúng thầu dễ rơi vào tình trạng “nợ xấu”.

“Huyện đang rà soát đề xuất khung giá đấu thầu 3 năm/lần theo văn bản hướng dẫn mới đây của Sở Tài chính. Điều này thuận lợi cho cả địa phương lẫn DN” - ông Nguyễn Hữu Thành chia sẻ.

Kiến nghị đấu thầu 5 năm/lần

Thu gom chất thải lỏng tại Công ty TNHH Daikan Việt Nam.

Đại diện Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc kéo dài thời gian đấu thầu xử lý CTSH đã được nhiều DN kiến nghị. Năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính làm văn bản gửi các bộ, ngành trung ương hướng dẫn tháo gỡ, đồng thời kiến nghị kéo dài chu kỳ đấu thầu từ 1 năm lên 3 năm/lần. Bộ Tài chính có văn bản phản hồi là quy định trên thực hiện theo Luật Đầu tư, cơ quan tham mưu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện đấu thầu thời hạn 3 năm, do đó tỉnh chưa có cơ sở thực hiện.

Phó Giám Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT)Trần Trọng Toàn cho biết, hiện nay công tác quản lý CTSH còn chồng chéo và có nhiều lỗ hổng. Bộ TN-MT được giao quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nhưng một số nội dung như: hướng dẫn đầu tư xây dựng và định mức kinh tế, kỹ thuật xây dựng cơ sở xử lý chất thải lại thuộc thẩm quyền Bộ Xây dựng.

Tại Đồng Nai, Sở TN-MT là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về thu gom, vận chuyển, xử lý CTSH nhưng lập quy hoạch và xây dựng các khu/cơ sở xử lý được giao cho Sở Xây dựng, giá dịch vụ và dự toán phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lại được giao cho Sở Tài chính.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Tài Tiến (TP.Biên Hòa) Lý Minh Anh cho rằng, nhiều năm qua, Đồng Nai duy trì hình thức đấu thầu hàng năm nhưng mức giá lại không thay đổi. Các cơ quan chức năng cần xem xét nâng thời hạn thực hiện gói thầu xử lý CTSH lên 3-5 năm để tạo điều kiện cho đơn vị trúng thầu mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cân nhắc điều chỉnh giá dịch vụ xử lý chất thải theo từng loại hình công nghệ để khuyến khích và tạo sự công bằng cho nhà đầu tư.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi kiến nghị đoàn công tác có ý kiến với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn UBND tỉnh thực hiện đấu thầu xử lý CTSH với thời hạn tối thiểu 5 năm/lần; có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, năng lượng được sản xuất, tái chế từ rác. Cùng với đó, Bộ Tài chính ban hành định mức giá trần xử lý chất thải theo từng loại hình công nghệ nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng, tạo điều kiện để DN đổi mới công nghệ.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp, quy định đấu thầu rộng rãi hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt là chủ trương đúng đắn, minh bạch, giúp tiết kiệm ngân sách và tăng tính chủ động cho các nhà thầu trong việc hoàn thiện quy trình hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, quy định đấu thầu, ký hợp đồng hàng năm khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tính toán chi phí đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ; không thu hút được doanh nghiệp lớn tham gia sân chơi này.

Thu Dung (t.h)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hoat-dong-van-chuyen-rac-thai-phai-dau-thau-hang-nam-gay-kho-doanh-nghiep-109348.html